Câu chuyện về trà

Trà là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Có rất nhiều loại trà với màu sắc, hương vị khác nhau. Cách thưởng thức trà cũng vô cùng phong phú, tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia.

Sự khởi đầu của trà

Theo truyền thuyết Trung Hoa, trong một lần đi đến một vùng xa xôi, vua Thần Nông ngồi nghỉ chân đun nước uống dưới một gốc cây. Trong khi đang đợi nước sôi thì một chiếc lá rơi xuống làm nước chuyển màu. Thần Nông uống thứ nước đó, thấy người tỉnh táo, quên hết mệt mỏi, và ý tưởng uống trà bắt đầu từ đây.

Một truyền thuyết khác mang tính huyền ảo hơn kể rằng, tổ Bồ Đề Đạt Ma khi mới hành thiền, ngài ngồi ở cửa hang động, nhưng ngài bị thân xác quấy nhiễu, bị rơi vào giấc ngủ. Để cho tỉnh thức, ngài bèn cắt mí mắt liệng đi. Tại nơi đó, một cây xanh mọc lên, lá cây có hình dạng con mắt. Người ta hái lá cây ấy, nấu nước uống thì thấy người tỉnh táo. Đó là cây trà, lá trà rất phổ biến ngày nay.

Con đường đi của trà

Có lẽ, người Trung Quốc biết uống trà và nâng việc uống trà trở thành nghệ thuật đầu tiên. Suốt các thời đại Tây Chu, nhà Tần, nhà Hán, trà được coi là một biểu tượng tôn giáo truyền thống chỉ được phổ biến trong hoàng gia và giới quan lại quý tộc.

Vào thế kỷ thứ 8, các nhà sư thuộc phái Thiền tông Nhật Bản sang Trung Quốc tu học đạo đã mang hạt giống trà về đất nước họ. Từ đó, việc trồng và uống trà trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Tương tự như vậy, trà đến với đất nước Hàn Quốc bằng con đường các nhà tu hành sang Trung Quốc học đạo vào khoảng thế kỷ thứ 6, thứ 7.

Nhiều tài liệu ghi rằng vào đầu thế kỷ 17, thương nhân Hà Lan là những người đầu tiên mang trà vào châu Âu. Rất nhanh sau đó, trà đã lan rộng khắp Tây Âu và Bắc Âu. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng Hoàng gia Bồ Đào Nha mới là những người châu Âu đầu tiên mang trà về từ Trung Quốc.

Nữ hoàng Catherine xứ Braganza, một nữ quý tộc Bồ Đào Nha, đã làm trà trở nên phổ biến với giới thượng lưu Anh khi bà cưới vua Charles đệ nhị vào năm 1661. Với công cuộc mở rộng thuộc địa cùng với sự phát triển của đế quốc Anh, trà lan rộng ra khắp thế giới. Lúc đầu, tại Anh, trà là thức uống dành cho người giàu, nhưng khi nó trở nên rẻ hơn, nó trở nên phổ biến và được mọi người yêu thích.

Cách thưởng thức trà Á, Âu có gì khác nhau?

Sự phát triển của nghệ thuật uống trà tại Trung Quốc và Nhật Bản đã được nâng lên tầm trà đạo. Trà đạo Trung Quốc có tư tưởng đề cao con người. Trà đạo Nhật Bản phát triển dựa trên tôn chỉ thanh tịnh và đơn giản, hướng con người rũ bỏ mọi muộn phiền và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Khoảng giữa thế kỷ 19, Công nương xứ Bedford là người đã nghĩ ra những bữa tiệc trà và thưởng thức bánh ngọt cùng bạn bè là các quận công, quận chúa. Các bữa tiệc trà chiều thường được bắt đầu từ 4 đến 5 giờ chiều. Ngày nay, trà chiều được coi như một sở thích, một niềm đam mê của người Anh.

Morocco là nước tiêu thụ trà bạc hà nhiều nhất. Đầu tiên, nó là đồ uống dành riêng cho tầng lớp quý tộc, hiện tại nó đã vô cùng phổ thông. Ở Ai Cập, đường và lá bạc hà được dùng để pha trà truyền thống, còn người dân ở Nga thích trà ngọt và sử dụng trà cùng mứt hoặc mật ong.

Ấn Độ vốn là vương quốc của các loại gia vị. Người Ấn Độ uống trà đen được pha loãng với sữa, đường, mật ong, hoặc jaggery và thêm quế, gừng, hoa hồi, thì là, hạt tiêu, hạt nhục đậu khấu và đinh hương.

Nghệ thuật trà của Việt Nam mộc mạc, giản dị, thuần khiết và vô cùng tinh tế. Trà mộc được ướp với hương liệu thiên nhiên, mỗi loại mang hương vị đặc trưng riêng: trà sen, trà nhài, trà bạch ngọc (ướp hương từ năm loại hoa sắc trắng)… Uống trà Việt, ngoài cảm nhận hương vị trà, người thưởng thức còn cảm nhận câu chuyện về từng loại trà. Các danh trà nổi tiếng của Việt Nam phải kể đến trà Tân Cương (Thái Nguyên), trà Shan Tuyết cổ thụ suối Giàng (Yên Bái).

Tương lai của trà

Trà đã trở thành một thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia. Tùy văn hóa, sở thích, điều kiện, hoàn cảnh… người ta lựa chọn cho mình cách thưởng thức phù hợp nhất, thoải mái nhất. Người ta có thể chọn trà đạo, trà đá, hay trà sữa. Người ta cũng có thể uống trà ngọt như người Nga hay trà mặn như người Tây Tạng.

Càng ngày càng có thêm nhiều thế hệ người uống trà mới và khi thế giới ngày càng mở, ngày càng có nhiều người đi du lịch khắp thế giới thì những cách thưởng thức trà mới lại tiếp tục được tạo ra, tương lai của trà ngày càng rộng mở.

Hoàng Giáp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây