Có được phép nuôi tê tê vì mục đích thương mại?

STNN - Ông Giàng A Chư (Sơn La) hỏi, hiện tại có cơ sở nào được cấp phép nuôi con tê tê vì mục đích thương mại không? Hình thức nuôi lấy nguồn gốc từ đâu, từ tự nhiên hay từ nguồn nào?

Vừa qua, ông Chư xem được một video đăng trên mạng xã hội với nội dung nhà bếp đang chặt thịt và các nhân vật đang đứng xung quanh để thưởng thức. Bằng kinh nghiệm trong nghiên cứu động vật quý hiếm, ông Chư nhận ra động vật đó là con tê tê. Nhưng các nhân vật trong video nói rằng đó là con chuột khổng lồ.

Ông Chư muốn biết, nhà hàng kinh doanh mua bán ẩm thực các món động vật quý hiếm vậy có được cấp phép hay có sự quản lý giám sát của các cơ quan có thẩm quyền hay không? Tình trạng nuôi/săn bắn động vật quý hiếm (tê tê) có được Kiểm lâm tuyên truyền phổ biến rộng rãi để bảo tồn hay không?

Tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động nuôi sinh sản, sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo động vật hoang dã quy định một trong những điều kiện để đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như tê tê là phải có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam. Nuôi phải vì mục đích nghiên cứu chứ không phải để mua bán hay mục đích khác. Vậy, điều này có đúng với quy định hay không?

Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Về cơ sở được cấp phép nuôi con tê tê vì mục đích thương mại, theo thông tin từ Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở nuôi tê tê được cấp mã số vì mục đích thương mại.

Nguồn gốc động vật hoang dã được quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Theo đó, điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại đều phải bảo đảm nguồn giống hợp pháp (khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác).

Hoạt động kinh doanh mua bán động vật nguy cấp, quý, hiếm có sự quản lý giám sát của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.

Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, trong đó có lực lượng Kiểm lâm với nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi...

Ví dụ: Năm 2023, Cơ quan Kiểm lâm và các cơ quan chức năng có liên quan đã tổ chức Phiên tòa giả định xét xử vụ án mua bán động vật hoang dã tại thị xã Sa Pa, Lào Cai (tham khảo tại: https://www.youtube.com/watch?v=3DbzH06HSIE).

Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã hết hiệu lực thi hành. Việc nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES được quy định tại các điều 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.