Vừa giữ rừng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị
Hiện nay, vấn nạn phá rừng tự nhiên để trồng keo, trồng cây công nghiệp tạo nên nhiều áp lực cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng Kiểm lâm ngày đêm giữ rừng.
Tuy nhiên, bài toán vừa giữ vững, phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có và nâng cao đời sống cho chủ rừng, phát triển kinh tế nghề rừng cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng với người dân tìm hướng đi phù hợp, vừa phát triển vốn rừng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường.
Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017, chủ rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, sản xuất được trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, không làm suy giảm diện tích, chất lượng của rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm thu được từ hoạt đồng trồng cây lâm sản ngoài gỗ này.
Bên cạnh đó, hoạt động trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng vừa có tác dụng bảo tồn các loài đặc hữu, cây có giá trị cao về khoa học, vừa có tác dụng bảo vệ tầng đất mặt, chống xói mòn góp phần giảm nhẹ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,… vừa hiệu quả kinh tế rất cao khi thu hái sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cung cấp ra thị trường làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hoặc được sử dụng trực tiếp. Như vậy, trồng dược liệu (lâm sản ngoài gỗ) dưới tán rừng là một hướng đi phù hợp với quy định của pháp luật, môi trường và đời sống nhân dân.
Bảo tồn và phát triển dược liệu quý hiếm, tạo sinh kế cho bà con
Từ những trăn trở trong công tác bảo vệ rừng, nâng cao đời sống của chủ rừng, nhân dân vùng sâu, vùng xa, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) đã đề xuất, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng Hàm Yên, trà hoa vàng Cúc Phương tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa”.
Triển khai đề tài, xác định cây Trà hoa vàng Cúc Phương và Trà hoa vàng Hàm Yên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phù hợp trồng dưới tán rừng (độ tàn che 50% trở lên), cây sinh trưởng và phát triển tối ưu dưới tán rừng. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm Thạch Thành đã xây dựng các bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và trồng thương phẩm, đồng thời trồng thành công mô hình trồng Trà hoa vàng Hàm Yên, Trà hoa vàng Cúc Phương dưới tán rừng trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Nguyên Chất, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Thành, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Cùng với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Kiểm lâm chúng tôi hướng tới phát triển rừng bền vững, tạo sinh kế, phát triển kinh tế nghề rừng, tạo ra những sản phẩm hướng đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp, người dân phát triển sản phẩm “Kim hoa trà” tại địa phương.
Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, trong lá của Trà hoa vàng có chứa rất nhiều nguyên tố vi lượng như Germanium (Ge), Selenium (Se), Mangan (Mn), Molypden (Mo), Kẽm (Zn), Vanadium (V)... Các hoạt chất trong lá, hoa của Trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ mỡ máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ. Germanium có hoạt tính sinh lý rất cao, có thể phát huy, tăng cường năng lực hấp thu O2 của tế bào, đảm bảo cung cấp dưỡng khí cho cơ thể, có lợi cho việc trao đổi chất. Germanium hữu cơ làm tăng sức đề kháng, chống u bướu, hạn chế tế bào u bướu phát triển, tăng khả năng miễn dịch, có tác dụng phòng và chống ung thư. Selenium có tác dụng chống oxy hoá, có thể tiêu trừ các gốc tự do có hại trong cơ thể, nâng cao năng lực tự bảo vệ, do đó kéo dài tuổi thọ. Vanadium có thể xúc tiến cơ năng tạo máu, giảm cholesterol trong huyết tương. Nghiên cứu lâm sàng chứng tỏ Trà hoa vàng giúp giảm mỡ máu rõ rệt hơn alpha-Napthothiourea, thuốc đã được thế giới công nhận về công dụng giúp giảm mỡ máu. |