STNN - Công nghệ nông nghiệp tiên tiến không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn có thể loại bỏ hoàn toàn khí thải bằng cách tạo ra khí thải âm, tức là giảm nhiều hơn so với lượng khí thải mà hệ thống thực phẩm hiện tại tạo ra.
- Nấm “ăn” nhựa có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm polypropylene
- Trung Quốc biến khí thải thành thức ăn chăn nuôi chỉ trong 22 giây
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PLOS Climate, công nghệ nông nghiệp có thể giảm phát thải âm tới hơn 13 tỷ tấn khí nhà kính trong bối cảnh thế giới đang cố gắng ngăn chặn những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Benjamin Z. Houlton (Đại học Cornell) và Maya Almaraz, nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton. Houlton cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, hệ thống thực phẩm là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu".
Hệ thống thực phẩm trên thế giới góp phần tạo ra từ 21 - 37% tổng lượng khí thải nhà kính hàng năm trên hành tinh. Theo báo cáo, với dân số toàn cầu dự kiến đạt gần 10 tỷ người vào giữa thế kỷ này, khí thải nhà kính từ hệ thống thực phẩm toàn cầu có thể tăng lên 50% đến 80% vào năm 2050 nếu không có biện pháp kiểm soát.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, thay đổi chế độ ăn uống trên toàn cầu là yếu tố quan trọng để giảm lượng khí thải trong hệ thống thực phẩm. Tuy nhiên, Houlton và Almaraz tin rằng tiềm năng giảm phát thải có thể còn lớn hơn nhiều.
Nếu toàn bộ dân số áp dụng chế độ ăn kiêng linh hoạt (được đề xuất bởi Ủy ban EAT-Lancet, một nhóm chuyên gia thiết lập chế độ ăn uống bổ dưỡng, lành mạnh và bền vững) vào năm 2050, các nhà khoa học ước tính có thể giảm tổng cộng 8,2 tỷ tấn khí thải nhà kính, đạt mức phát thải âm ròng.
Almaraz nói: "Nghiên cứu của chúng tôi đã xem xét cả việc thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng công nghệ nông nghiệp cùng với các lựa chọn khác để giảm lượng khí thải, bao gồm cả cách cô lập carbon".
Theo nghiên cứu, công nghệ nông nghiệp đã được chứng minh là có khả năng tạo ra lượng khí thải âm lớn trong toàn ngành còn thay đổi chế độ ăn uống có ít ảnh hưởng đến việc cô lập carbon.
Almaraz nói: "Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu cách kết hợp công nghệ nông nghiệp và chế độ ăn uống để tối ưu hóa giảm lượng khí thải nhà kính. Điều này bao gồm việc sử dụng các phương pháp canh tác hiệu quả, quản lý chất thải và phân bón, và ứng dụng các công nghệ mới như nuôi trồng thực vật không sử dụng đất và nông nghiệp công nghệ cao. Một số cách giảm phát thải hiệu quả nhất được nhắc tới là tăng cường cải tạo đất cho cây trồng (than sinh học, phân hữu cơ), phát triển nông lâm kết hợp, thúc đẩy các phương pháp thu hoạch hải sản bền vững. Việc bổ sung chất phụ gia vào thức ăn chăn nuôi có thể giảm lượng khí thải metan tới 1,7 tỷ tấn và sử dụng than sinh học cho đất trồng trọt có thể giảm lượng khí thải oxit nitơ tới 2,3 tỷ tấn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc giảm lượng thực phẩm bị lãng phí cũng có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm khí thải nhà kính. Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), khoảng 30% thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí. Bằng cách cải thiện quản lý và vận hành chuỗi cung ứng thực phẩm, chúng ta có thể giảm lượng thực phẩm bị lãng phí và tăng tính hiệu quả của hệ thống thực phẩm.
Như vậy, công nghệ nông nghiệp và chế độ ăn uống có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khí thải nhà kính từ hệ thống thực phẩm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, cần kết hợp các biện pháp khác nhau như canh tác thông minh, quản lý chất thải, sử dụng công nghệ mới và giảm lãng phí thực phẩm.
Hoàng Liên