Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thành phố năm 2022 để kích cầu tiêu dùng nội địa, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước. Hiện cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố đang lên kế hoạch phát triển thị trường trong nước thông qua các hoạt động mua sắm truyền thống, thương mại điện tử, mua sắm ban đêm…

Việc triển khai các hoạt động khuyến mãi tập trung sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Triển khai các hoạt động khuyến mãi tập trung trên toàn bộ hệ thống thương mại

Để kích cầu tiêu dùng, tạo “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế Thủ đô, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi, gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Chương trình “Hà Nội đêm không ngủ” khuyến mãi theo tỷ lệ tăng dần tới 100% với 4 khung giờ khác nhau được đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 39/KH-UBND, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động mua sắm truyền thống, thương mại điện tử, mua sắm ban đêm. Các chương trình này thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7 và tháng 11-2022 với quy mô toàn địa bàn thành phố, trọng tâm tại các quận, huyện, thị xã, thị trấn.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà:
Sản phẩm khuyến mãi phải có uy tín, chất lượng

Hai năm qua, dù dịch Covid-19 tác động lớn đến thu nhập của người lao động, nhưng doanh thu từ bán hàng trực tuyến vẫn tăng do người dân lựa chọn hình thức mua sắm này để phòng, chống dịch. Để chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa bảo đảm mục đích, tiến độ, thiết thực, hiệu quả, quận khuyến khích hệ thống siêu thị nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm thiết yếu để đưa ra chương trình đồng giá, giảm giá sâu trong các khung giờ khuyến mại. Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, chủ động đăng ký chương trình khuyến mại, chuẩn bị sản phẩm, hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, quận sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung của doanh nghiệp, đơn vị đã đăng ký với Sở Công Thương, bảo đảm sản phẩm khuyến mại phải uy tín, chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh:
Đẩy mạnh phối hợp, tổ chức nhiều sự kiện kích cầu tiêu dùng

Xác định rõ kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp giúp kinh tế phục hồi nhanh nên huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban của huyện đẩy mạnh phối hợp tổ chức nhiều sự kiện để kích cầu tiêu dùng nội địa. Huyện đã phối hợp với các sở, doanh nghiệp lân cận ở tỉnh Hà Nam tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam; Hội chợ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, Hội chợ quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp…

Từ Kế hoạch số 39/KH-UBND của UBND thành phố, huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Diệu Linh, chủ cơ sở kinh doanh tại phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm:
Chú trọng năng lực cạnh tranh và dịch vụ hậu mãi

Sau khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu đã gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị hủy, đối tác chậm thanh toán, hàng hóa bị ách tắc… Trong bối cảnh đó, càng thấy được sự cần thiết, tính bền vững của thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều năm kinh doanh sản phẩm may mặc Việt Nam xuất khẩu, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa chú trọng đến năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi… Theo tôi, các doanh nghiệp cần khắc phục các hạn chế trên, đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, tự bảo vệ mình trước những vi phạm thương mại, gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.

Bà Nguyễn Vân Anh, phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình:
Tạo niềm tin lâu dài với người tiêu dùng

Thời gian qua, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đã được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, hàng hóa nội địa vẫn có giá thành cao hơn so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại; nhiều sản phẩm không thường xuyên có chiến dịch khuyến mại sâu vào các dịp đặc biệt. Trong khi đó, các hãng sản xuất nước ngoài thường đưa ra chiến dịch khuyến mại lớn vào cuối năm, dịp Noel, ngày Black Friday… với mức giảm giá lên đến 80-90%. Đây là dịp nhiều đơn vị, cá nhân sẽ “săn sale” số lượng lớn để găm hàng bán dần, khiến sản phẩm nội địa càng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Đây cũng là vấn đề doanh nghiệp trong nước và các sở, ban, ngành cần lưu tâm để kích cầu tiêu dùng. Sản phẩm khuyến mại phải có uy tín, chất lượng và phải công khai tỷ lệ khuyến mại để tạo niềm tin lâu dài với người tiêu dùng.

Theo Báo Hà Nội mới 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây