Quyết định mới về OCOP: Thống nhất hai cấp đánh giá sản phẩm

STNN - Quyết định 1489/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 6/7/2025 đánh dấu bước điều chỉnh chính sách quan trọng, thống nhất việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chỉ còn ở hai cấp: tỉnh và trung ương. Sự thay đổi nhằm phù hợp mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tính ổn định và hiệu quả trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
ocop-hai-cap-stnn-1751875171.jpg
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp.

Trước đây, Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ việc đánh giá sản phẩm OCOP được phân cấp cho cấp huyện (3 sao), cấp tỉnh (4 sao) và trung ương (5 sao). Tuy nhiên, mô hình chính quyền địa phương hiện nay chỉ còn hai cấp (tỉnh và xã), khiến một số quy định trong Quyết định 148/QĐ-TTg không còn phù hợp. Do đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 để sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm thống nhất và phù hợp với thực tiễn triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tránh xáo trộn trong quá trình thực hiện.

Theo quy định mới, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo hai cấp: cấp tỉnh và cấp trung ương.

UBND cấp xã có trách nhiệm: (1) Đánh giá một số nội dung trong hồ sơ sản phẩm đăng ký OCOP như nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu, lao động, ý tưởng, bản sắc địa phương; tổ chức họp lấy ý kiến liên quan và ban hành báo cáo đánh giá; (2) Tiếp nhận, kiểm tra thể thức hồ sơ và đề xuất UBND cấp tỉnh xem xét, phân hạng các sản phẩm trên địa bàn.

Công tác đánh giá tại cấp tỉnh: Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động. Trường hợp cần thiết, có thể ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn làm Chủ tịch Hội đồng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

Hội đồng cấp tỉnh tiến hành đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do UBND cấp xã đề xuất. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc sản phẩm không đạt từ 3 sao trở lên, UBND cấp tỉnh trả lại kết quả bằng văn bản cho cấp xã để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm.

Các sản phẩm đạt từ 90 đến 100 điểm được UBND cấp tỉnh chuyển hồ sơ lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xem xét, đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia.

Công tác đánh giá ở cấp trung ương: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất. Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả; trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh.

Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp.

Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.

Lê Khánh (t/h)