Những ngày qua, hàng loạt chuyến bay chở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình đón khách thí điểm đã làm ấm lại thị trường du lịch quốc tế sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh. Cùng với sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm đón khách an toàn, việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch, nhất là ở những thị trường trọng điểm được xác định là nhiệm vụ then chốt để thu hút du khách, tạo đà phát triển du lịch quốc tế.
Liên tiếp các ngày 17 và 18/11, hơn 100 vị khách quốc tế đầu tiên đã theo các chuyến bay thương mại thuê bao nguyên chuyến tới Quảng Nam để du lịch, thăm thân. Ngày 20/11, đoàn khách hơn 200 người từ thị trường Hàn Quốc đi du lịch Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vắc-xin" cũng đến với đảo ngọc Phú Quốc. Các du khách đều có đầy đủ chứng nhận an toàn dịch bệnh theo yêu cầu, được sử dụng các dịch vụ du lịch cung ứng theo hình thức khép kín và tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến theo lịch trình đã thống nhất trước. Ðây có thể xem là những bước khởi động quan trọng góp phần nối lại hoạt động du lịch quốc tế, tiến tới mở cửa, phục hồi ngành kinh tế xanh trong trạng thái bình thường mới. Ðại diện các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air cho biết, những ngày tới, sẽ tiếp tục có nhiều chuyến bay đưa khách quốc tế tới du lịch tại năm địa điểm được lựa chọn thí điểm đón khách là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Ðà Nẵng và Quảng Ninh. Như vậy, việc đón khách du lịch quốc tế đang được Việt Nam thực hiện theo đúng lộ trình đã xây dựng: sau giai đoạn một (từ tháng 11/2021) và giai đoạn hai (từ tháng 1/2022) sẽ tiến tới mở cửa hoàn toàn dựa trên tình hình thực tế về dịch bệnh và kết quả đón khách trong hai giai đoạn đầu. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các nước trong khu vực đều đã xác định mở cửa biên giới thu hút nguồn ngoại tệ từ du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh và bảo đảm phục hồi du lịch quốc tế theo đúng lộ trình, nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường quốc tế tiềm năng. Công tác này cần thực hiện càng sớm càng tốt bởi với du khách ở những thị trường xa, bao giờ cũng tồn tại độ trễ nhất định kể từ lúc tiếp cận thông tin tới khi đưa ra quyết định du lịch.
Muốn xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả, vấn đề tiên quyết là xác định được đúng những thị trường mục tiêu. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Trước mắt, công tác truyền thông về kế hoạch mở cửa và xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19. Lâu nay, địa bàn trọng điểm của du lịch Việt Nam là các nước Ðông Bắc Á. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế khách ra nước ngoài, cũng hạn chế người nước ngoài vào nên thời điểm này chưa thể đặt kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc. Song Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc) vẫn là những địa bàn có tiềm năng lớn, các nước Ðông Nam Á cũng là khu vực Việt Nam đang hướng tới, bên cạnh đó là các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand…
Ngay trong thời điểm du lịch quốc tế bị đóng băng, Tổng cục Du lịch đã phối hợp các bên liên quan triển khai nhiều hoạt động truyền thông trên môi trường số, tiêu biểu như: xây dựng bộ sản phẩm "Stay at home with Vietnam", chuyên mục "Why not Vietnam", các video clip "Việt Nam! Ði để yêu" nhằm giữ kết nối và truyền cảm hứng du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế. Ðẩy mạnh truyền thông cho các thị trường được thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn một và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngành du lịch đã xây dựng clip mới trong chuỗi clip "Việt Nam! Ði để yêu", mang đến những hình ảnh mãn nhãn của Vịnh Hạ Long, các hoạt động giải trí sôi động, các bờ biển trải dài tại Phú Quốc, Nha Trang cùng vẻ đẹp cổ kính của Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An. Thời gian này, ngành du lịch cũng đang tích cực làm việc với đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, nhất là ở các nước đã được công nhận "hộ chiếu vắc-xin" khi tới Việt Nam, qua đó cung cấp cho du khách những thông tin cụ thể về việc mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam, quy định nhập cảnh, kiểm dịch, bảo đảm an toàn trong hành trình du lịch cũng như những điểm thú vị, hấp dẫn khi du lịch ở Việt Nam.
Ðặc biệt, chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) đã chính thức được Tổng cục Du lịch khởi động gắn liền bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia "Vietnam-Timeless Charm" (Việt Nam-Vẻ đẹp bất tận). Chiến dịch đang được triển khai mạnh mẽ trên trang Vietnam.travel (trang giới thiệu du lịch Việt Nam) cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest..., gửi đi thông điệp mời gọi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam - điểm đến an toàn, hấp dẫn để có những trải nghiệm trọn vẹn nhất. Các thông tin về du lịch Việt Nam đang được mô hình hóa dưới dạng infographic (đồ họa thông tin), kết hợp thông tin ngắn gọn với hình ảnh minh họa sinh động, bắt mắt để các thông điệp được chuyển tải dễ hiểu, tiện quảng bá. Ngành du lịch cũng đã lên kế hoạch làm việc với các hãng truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC... để có những chương trình truyền thông mạnh mẽ thời gian tới. Trên các kênh quảng bá, chiến dịch "Live fully in Vietnam" đang nhận được nhiều tương tác tích cực từ du khách quốc tế, khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng để chào đón khách nước ngoài tới khám phá, trải nghiệm.
Theo các chuyên gia, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch qua phương tiện truyền thông số, còn cần đặc biệt quan tâm đến kênh truyền thông trực tiếp vô cùng hiệu quả khác, đó là những du khách quốc tế đang tham gia chương trình thí điểm du lịch Việt Nam thời gian này. Nếu thấy hài lòng, thỏa mãn với những dịch vụ du lịch được chuẩn bị chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp của Việt Nam, chính họ sẽ trở thành những đại sứ du lịch, những minh chứng sống giúp lan tỏa, quảng bá hiệu quả về hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, mến khách và an toàn...
Theo Nhân dân