Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đề xuất bỏ kỳ thi THPT Quốc gia trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chiều 11/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề giáo dục và đào tạo, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia không khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo đại biểu Hoà, năm học vừa qua, kỳ thi THPT Quốc gia không được tổ chức thống nhất, đồng bộ trên cả nước tạo ra sự không công bằng cho học sinh khi trong cùng một Quốc gia có nơi tổ chức thi THPT Quốc gia, có nơi lại không tổ chức.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học vừa qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thành nhiều đợt. Trong đó, một nhóm hơn 2.000 học sinh tại khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Đông vì lý do dịch bệnh đã xin phép đặc cách. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định trước mắt việc thi THPT Quốc gia là vẫn cần thiết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi THPT Quốc gia đã được luật hoá và Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy định của luật. Kỳ thi cũng có nhiều tác dụng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh và hiện vẫn là một trong cá căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ông Sơn cho biết, năm học sắp tới, Bộ GD&ĐT đang lên phương án tuyển sinh linh hoạt hơn. Căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch bệnh của các tỉnh, thành, nhóm tỉnh thành để có thể có lịch thi linh hoạt hơn năm 2021.
Bộ GD&ĐT cũng đang tính toán xây dựng một ngân hàng đề đủ lớn để có thể tổ hợp và cho phép thi nhiều lần hơn. Thậm chí mỗi tỉnh có thể có một kế hoạch thi khác nhau.
“Tuy nhiên như vậy sẽ phức tạp hơn cho việc tổ chức, nên nếu điều kiện cho phép thì tổ chức cùng một lịch thi sẽ tốt hơn. Bất đặc dĩ nếu điều kiện phức tạp thì sẽ tổ chức thi linh hoạt hơn nữa”, ông Sơn nói.
Theo VTC news