Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống, nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật Lâm nghiệp được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019; trong đó, tại Khoản 5, Điều 44 quy định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục giống cây trồng chính; trình tự, thủ tục công nhận giống, nguồn giống, vật liệu giống”.
Theo thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 về “Quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính”.
Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; trong đó, nhiều nội dung trong Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 đã được quy định tại Nghị định này. Cụ thể, tại Điều 3 đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ; Điều 13 và Điều 14 quy định chi tiết về khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp; Điều 16 đến Điều 20 quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT đáp ứng yêu cầu của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung và thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Theo dự thảo, tiêu chí công nhận giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm: a- Giống đã khảo nghiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp hoặc đã trồng thử nghiệm theo quy định; b- Kết quả khảo nghiệm hoặc trồng thử nghiệm đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về giống được công nhận, có năng suất, chất lượng tương đương trở lên so với giống cùng loài hoặc nhóm loài đã công nhận được trồng trong cùng một vùng sinh thái.
Dự thảo cũng nêu rõ tiêu chí hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp là giống bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống được công nhận; giống không đáp ứng mục đích, yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trồng rừng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định trồng thử nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó đối tượng trồng thử nghiệm gồm: Giống cây bản địa; giống cây trồng lâm nghiệp chưa được công nhận; giống cây trồng mới đã được công nhận trồng thử nghiệm ở vùng sinh thái khác; giống nhập khẩu lần đầu có năng suất, chất lượng cao tại nước xuất khẩu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phù hợp với điều kiện sinh thái nơi trồng thử nghiệm.
Diện tích trồng thử nghiệm tối thiểu 2 ha. Thời gian đánh giá kết quả trồng thử nghiệm đối với cây sinh trưởng nhanh là 3 năm; cây sinh trưởng chậm là 6 năm; cây lâm sản ngoài gỗ có sản phẩm theo mục tiêu chọn giống được thu hoạch ổn định trong 2 vụ kế tiếp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ