Nhắc đến nghệ thuật múa, chúng ta thường nghĩ ngay đến những nữ ca vũ xinh đẹp uyển chuyển, khéo léo từng bước dập dìu theo tiếng nhạc, tiếng trống. Thế nhưng, tại làng Triều Khúc – một ngôi làng cổ ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội hàng năm lại có một lễ hội độc đáo với những điệu múa chỉ dành riêng cho nam giới.
Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, Triều Khúc là nơi Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) luyện quân để giao chiến với tướng giặc Đào Chính Bình nhà Đường Trung Quốc. Sau khi ngài chiến thắng lên ngôi vua, dân làng Triều Khúc suy tôn ngài là Thánh, hàng năm đều tổ chức lễ rước sắc với ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.
Lễ hội làng Triều Khúc thường diễn ra trong khoảng từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng. Mở đầu hội là lễ rước long bào - triều phục của vua Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn để bắt đầu cuộc tế gọi là lễ “hoàn cung”. Khi cuộc tế lễ bắt đầu thì ở sân đình, các trò vui cũng diễn ra trong không khí hết sức vui tươi, nhộn nhịp.
Bên cạnh những hoạt động thường thấy trong ngày hội Xuân như múa rồng, múa lân, hội làng Triều Khúc còn duy trì được ba điệu múa dân gian truyền thống đó là múa sinh tiền, múa chạy cờ và múa bồng. Trong đó, đặc biệt hơn cả là điệu múa bồng (hay còn gọi là múa Trống Bồng, múa “con đĩ đánh bồng"...)
Nguồn gốc của điệu múa bắt nguồn từ thế kỷ thứ VIII, đức vua Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình đã đóng quân tại làng Triều Khúc. Để khích động tướng sĩ, cũng là giải trí cho nghĩa quân, ngài cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng.
Ông Triệu Đình Hồng - người vô cùng tâm huyết với việc lưu giữ điệu múa này ở làng cho biết: “Phụ nữ bao giờ cũng múa tốt hơn đàn ông, nhìn họ múa rất dẻo, rất tình tứ, tuy nhiên do quan niệm “khinh nữ” ngày xưa nên phụ nữ không được vào nơi thờ cúng thần linh mà chỉ được phép đứng ngoài. Do vậy, phải để nam đóng giả nữ, những người nam được chọn múa phải là trai chưa vợ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và có tài nhảy múa”.
Những người đã được chọn làm “con đĩ đánh bồng" sẽ đánh phấn tô son, mặc áo tứ thân, váy đụp, chít khăn mỏ quạ, đeo trống cơm sơn màu đỏ trước ngực, cài bông tai, đeo vòng để múa những điệu múa uyển chuyển, duyên dáng nhất trong ngày hội làng. Việc trở thành “con đĩ đánh bồng” là một niềm vinh dự đặc biệt mà không phải trai làng nào cũng có được.
Điệu múa bồng độc đáo của hội làng Triều Khúc không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với văn hóa - lịch sử mà còn có ý nghĩa về phương diện tín ngưỡng, tôn giáo. Trong lễ hội, đội múa bồng múa xoay tròn giữa đội trống xếp vuông xung quanh. Theo người xưa, đó là hình tượng mặt trời và trái đất, tượng trưng cho âm dương hoà hợp. Ngoài ra, trong điệu múa còn có động tác dựa lưng vào nhau và múa uốn lượn lả lướt mang ý nghĩa hưởng thụ hạnh phúc.
Ngày hội làng còn có nhiều trò vui khác như hát Chèo Tàu, đấu vật,... Vào ngày 12 tháng Giêng, hội làng kết thúc bằng điệu múa cờ (còn gọi là múa Chạy cờ) và lễ rã đám. Khi mọi nghi lễ kết thúc, cũng là lúc mọi người cùng ngồi vào chiếu hưởng lộc thánh. Họ cùng nhau chia vui chén rượu, miếng trầu và cầu mong một năm mới phát tài, phát lộc.
Điệu múa “con đĩ đánh bồng” nói riêng và hội làng Triều Khúc nói chung là một trong những nét đẹp dân gian độc đáo của đất kinh kỳ. Lễ hội làng Triều Khúc được công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia" theo Quyết định 446/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL ngày 29/01/2019 là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn văn hoá dân gian trong những lễ hội truyền thống Việt Nam.
Thu Phương (TH)