Đòn bẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy tính chủ động, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát huy thành quả đã đạt được, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đổi mới hoạt động hợp tác xã, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn.

nông thôn
Sơ chế giá đỗ tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Thành công đáng ghi nhận

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín có 1,15ha canh tác các loại rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 0,8ha đã được đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tự động và khu vực sản xuất rau mầm được thiết kế theo sơ đồ 1 chiều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là hệ thống nhà sơ chế, đóng gói… Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà Bùi Thanh Hà cho biết: “Hợp tác xã đã có 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) bốn sao, đều được tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng, thu về khoảng 6 tỷ đồng/năm”.

Trong khi đó, Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) tổ chức chăn nuôi ổn định ở mức 4.000 con lợn một lứa. Với khu chăn nuôi hiện đại khép kín và hệ thống giết mổ, chế biến ứng dụng công nghệ cao, hiện mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z”. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết: “Hợp tác xã đang triển khai công nghệ thịt mát theo chuỗi thực phẩm VIP của Hà Lan và hướng tới xuất khẩu sản phẩm thịt lợn…”.

Tính đến cuối năm 2021, Hà Nội có 2.200 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân (tăng 143% số hợp tác xã so với thời điểm cuối năm 2008) với 602.000 thành viên. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong thông tin: Nhiều hợp tác xã nông nghiệp có doanh thu từ 1 tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng mỗi năm và đang là “trụ đỡ” cho khu vực kinh tế nông thôn.

Đánh giá về hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định: Việc đổi mới hoạt động của hợp tác xã thời gian qua đã góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của thành phố. Các hợp tác xã đang tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ.

Tiếp tục đổi mới hoạt động

Phân tích về hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Hà Nội là địa phương có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp cần tận dụng cơ hội, đổi mới hoạt động, ứng dụng khoa công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, tăng giá trị và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Góp phần thúc đẩy hiệu quả của hợp tác xã trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ứng dụng khoa học công nghệ trên từng lĩnh vực; đồng thời củng cố hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, huyện hỗ trợ các hợp tác xã kinh phí ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; bố trí mặt bằng sản xuất cũng như hệ thống giới thiệu sản phẩm.

Hà Nội đề ra mục tiêu vận động, hướng dẫn thành lập mới 100 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã mỗi năm, nâng tổng số hợp tác xã đến năm 2025 lên khoảng 2.500 hợp tác xã, trong đó phấn đấu ít nhất 80% có doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động đạt 5-7 triệu đồng/tháng.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng lấy ứng dụng khoa học, công nghệ làm “chìa khóa” để phát triển; các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo hướng đầu tư cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Cùng với việc hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội sẽ chủ động các giải pháp tăng cường liên kết theo hướng thành lập liên hiệp hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tổ chức, củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như vận động thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp ở những địa bàn mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có hợp tác xã.

Theo Báo Hà Nội mới

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây