Giám đốc Trần Đình Trọng và cây cà phê Eatu

STNN – Là người nặng lòng với cây cà phê Eatu (Đắk Lắk), ông đã đồng hành cùng bà con nông dân nơi đây suốt một chặng đường dài, đưa hạt cà phê đặc sản Eatu ra thế giới; đồng thời, dồn sức lực và tâm huyết để xây dựng thương hiệu riêng, “cắm lá cờ” cho vùng đất Eatu lên “bản đồ” cà phê của Việt Nam, đó là ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng Eatu.

Xây dựng thương hiệu Cà phê Eatu

Giám đốc HTX Công Bằng Trần Đình Trọng bên những sản phẩm Cà phê Eatu.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng Trần Đình Trọng bên những sản phẩm được làm nên bằng tất cả tâm huyết.

Eatu nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 10 km, là nơi cư ngụ của phần lớn đồng bào dân tộc Ê Đê. Nơi đây là một vùng đất cao, yên bình, khí hậu trong lành và nổi tiếng với giống cà phê Robusta. Eatu cũng là một phần của thủ phủ ngành cà phê của Việt Nam – Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nhắc tới cà phê Việt Nam, người ta nghĩ tới cà phê Buôn Ma Thuột, cái nôi của ngành cà phê truyền thống, và Eatu chỉ là một vùng đất nhỏ trong Buôn Ma Thuột không nhiều người để ý tới. Nhưng một người đàn ông đã nặng lòng với hạt cà phê nơi đây và đang xây giấc mơ trên vùng đất này một cách thực lòng, giản dị và say mê. Khi lấy tên Cà phê Eatu để xây dựng thương hiệu cà phê riêng của mình, nhiều người đã hỏi ông, sao không tìm một cái tên riêng nào đó, sao lại đặt tên theo vùng đất, nhỡ khi thương hiệu lớn rồi lại phải cạnh tranh, bị lấy đi mất thì sao?…

Người ta vẫn nghĩ rằng, làm thương hiệu như vậy là có rủi ro nhưng ông Trọng lại nghĩ khác. Ông nói, đời tôi gắn với cây cà phê trước hết bởi niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân, không hẳn là chỉ làm giàu cho gia đình, hợp tác xã. Tất nhiên, với một đơn vị sản xuất kinh doanh, trước tiên cần phải có lợi nhuận để đi đường dài. Nhưng lợi nhuận phải đi đôi với sản xuất kinh doanh bền vững. Mình có lợi nhưng những người làm cùng cũng được hưởng lợi, đối tác khách hàng cũng hài lòng, vui vẻ. Hài lòng vui vẻ thì làm, không hài lòng vui vẻ thì thôi, không làm nữa. Đây chính là tiêu chí làm việc của ông trong suốt nhiều năm qua.

Ông đã gắn bó với cây cà phê Eatu trong thời gian dài suốt 28 năm qua, trong đó có 08 năm làm Giám đốc Hợp tác xã. Cách ông nói chuyện cũng rất đơn giản, không màu mè, mà chân thật, giản dị, nhưng tôi có thể cảm nhận niềm vui, sự say mê của ông dành cho Cà phê Eatu. Ông nói, ông có thể làm việc từ 7 giờ sáng tới 11 hay 12 giờ đêm, và nhiều người trẻ nếu không quen sẽ không theo được cường độ làm việc hàng ngày của ông. Ông cũng có sức ảnh hưởng với nhiều người tại địa phương, được tín nhiệm và được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng là hợp tác xã kiểu mới, được thành lập vào bởi người “thuyền trưởng” Trần Đình Trọng. Năm 2015, ông Trọng đã đứng ra huy động vốn, vận động thành viên tham gia để thành lập hợp tác xã. Ông nói rằng, gọi là huy động vốn, chứ thực ra mỗi người góp có 2 triệu đồng thôi. Nhà xưởng thì ông tự làm, đất trồng thì liên kết bởi các thành viên của hợp tác xã. Giống, phân bón thì ông bỏ tiền ra cung ứng trước cho các hộ, cuối mùa thu tiền từ bán cà phê nhân và tiếp tục quay vòng như vậy.

Có điều, ban đầu, việc thành lập hợp tác xã cũng vấp phải vài ý kiến phản đối, một số người hoài nghi, số khác không tin là ông có thể làm được. Vợ con ông không vui vẻ và bằng lòng, vì nghĩ rằng ông đang “mua dây buộc mình”, tự làm khó chính mình. Nhưng khi đó ông rất quyết tâm và muốn làm cho bằng được. Ông nói, ông đã có định hướng mới, muốn đi tiên phong theo hướng làm cà phê đặc sản một cách hiệu quả và bền vững. Xây dựng cà phê đặc sản theo hướng hữu cơ, sản xuất theo hình thức cà phê thương mại công bằng là đi theo xu hướng tiến bộ của thế giới, coi trọng con người, môi trường và cộng đồng.

Năm 2016 đơn vị đã lấy được chứng chỉ cà phê thương mại công bằng của Fair trade và tuân thủ triệt để các quy tắc của tổ chức này đưa ra. Đến nay, sau 08 năm thành lập, hợp tác xã đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện, hợp tác xã có 49 thành viên với vùng trồng liên kết với diện tích lên tới 1.400 hécta với sản phẩm chủ đạo là cà phê đặc sản Robusta. Doanh thu hàng năm khoảng 08–10 tỷ đồng. Hợp tác xã đã có nhà xưởng rộng rãi, khang trang, một số máy móc thiết bị tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất, đảm bảo hiệu suất sản xuất kinh doanh và đảm bảo chất lượng cà phê nhân, đáp ứng với yêu cầu khắt khe của tệp khách hàng nước ngoài.

Cà phê Eatu có chứng nhận Fairtrade, có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, có chứng nhận cà phê đặc sản, chế biến theo phương pháp honey coffee và natural. Cà phê Eatu cũng được chứng nhận OCOP 4 sao cho 02 sản phẩm là Eatu Cofee (cà phê đặc sản, bột nguyên chất), Eatu Cofee R&A (cà phê bột nguyên chất Robusta và Arabica). Cà phê Eatu cũng đoạt Giải Nhất cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2021 và Top 4 năm 2023. Nhờ sự hỗ trợ của Fairtrade, cà phê Eatu cũng dự nhiều hội chợ cà phê thế giới, như: Tokyo (Nhật Bản, tháng 9/2018), Boston (Mỹ, tháng 4/2019), Milan (Ý, vào năm 2022). Đặc biệt, năm 2019 khi tham gia hội chợ cà phê tại Boston ở Mỹ, cà phê Eatu còn được chọn vào danh sách 12 loại cà phê ngon nhất và được chấm theo thang điểm 80-100 điểm, thang điểm đánh giá quốc tế. Các giải thưởng này, tự nó đã nói lên chất lượng tuyệt hảo của cà phê Eatu. Như vậy, cà phê Eatu không chỉ được ghi nhận bởi các tổ chức đánh giá trong nước mà còn được ghi nhận bởi các tổ chức đánh giá nước ngoài. Qua đại diện thương mại, hợp tác xã hiện chủ yếu xuất khẩu đi thị trường nước ngoài (chiếm 90%), phần còn lại là bán trong nước trên cơ sở tạo dựng thương hiệu riêng mang tên Cà phê Eatu.

Ngày xưa, không nhiều người biết đến Cà phê Eatu. Đặc biệt, người dân các tỉnh miền Bắc hay người nước ngoài, hiếm khi nghe thông tin về cà phê Eatu. Nhưng nay, Eatu được gắn liền với thương hiệu của một hợp tác xã thì nhiều người đã biết đến có một vùng đất mang tên Eatu trên “bản đồ” cà phê của Việt Nam.

Nỗ lực vươn lên

Giám đốc Trần Đình Trọng và cây cà phê Eatu
Ngày nay, nhiều người đã biết đến có một vùng đất mang tên Eatu trên “bản đồ” cà phê của Việt Nam.

Hiện nay, cà phê của hợp tác xã chủ yếu dành cho xuất khẩu, vì là cà phê đặc sản nên giá bán thường cao hơn các loại cà phê thương mại khác vài lần. Điều này đã trực tiếp nâng cao đời sống người nông dân vùng trồng cà phê và giúp bà con nông dân yên tâm canh tác lâu dài. Chất lượng hạt cà phê cũng được nâng cao theo mỗi niên vụ, được khách hàng nước ngoài tin tưởng, đánh giá cao. Có điều, việc xuất khẩu này cũng giống như nhiều đơn vị khác trong ngành, chưa có thương hiệu riêng đủ sức mạnh để nhận diện thương hiệu. Vì thế, ông Trọng liền tìm cách xây dựng thương hiệu riêng của mình mang tên Cà phê Eatu phân phối trong nước.

Hợp tác xã duy trì cả hai hướng đi. Một mặt, xuất khẩu cà phê ra nước ngoài; mặt khác, tích cực làm thương hiệu riêng, phân phối tại thị trường trong nước. Tới nay, đã có các dòng sản phẩm như: Cà phê đặc sản, Cà phê rang xay, Cà phê rang hạt, Cà phê hòa tan 3 trong 1. Ông Trọng còn đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời một số sản phẩm khác như: trà vỏ cà phê, cà phê ủ men KOJI (Nhật Bản), v.v.. Hiện, đơn vị đang làm ở quy mô nhỏ để thăm dò thị trường, đáp ứng yêu cầu khách hàng riêng, chưa làm đại trà.

Khi được đề cập tới những vất vả trong công việc, ông cho rằng đang được làm một công việc đúng sở trường, đúng với niềm yêu thích, nên ông thấy khá thoải mái, vui vẻ, không thấy vất vả quá. Có lẽ, thói quen hay lam hay làm đã định hình nếp sống và công việc của ông trong nhiều năm qua khiến ông không thấy vất vả mà chỉ thấy những niềm vui. Trên thực tế, những ai làm cà phê trực tiếp sẽ thấy, có rất nhiều công việc phải làm, đa phần là những “công việc không tên”. Nếu không biết sắp xếp công việc một cách khoa học sẽ rất chán nản, khi phải xoay mòng mòng trong “núi công việc” khổng lồ không tên ấy mỗi ngày, nhưng với cách suy nghĩ tích cực, lạc quan, không ngại khó, ông đã dẫn dắt hợp tác xã vượt qua từng khó khăn, thách thức để xây dựng thương hiệu.

Ngày nay, nhiều người đã biết đến có một vùng đất mang tên Eatu trên “bản đồ” cà phê của Việt Nam.
Hợp tác xã đã góp phần tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho bà con.

Thương hiệu đã có tiếng tại địa phương, được nhiều khách hàng quốc tế đánh giá cao, nhưng ông thừa nhận, hợp tác xã cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó yếu tố đất đai và nguồn vốn là rào cản lớn nhất trong sự phát triển. Ông chia sẻ, đất đai bây giờ ở đâu cũng căng thẳng và tại đây cũng không là ngoại lệ. Nếu mua thì giá đất cao nằm ngoài khả năng đầu tư của hợp tác xã. Nếu thuê thì mặt bằng lại khá xa, khó bao quát và tập trung cho công việc. Thành ra, việc mở rộng nhà xưởng gặp nhiều trở ngại. Còn về nguồn vốn, ông nói, trước đến nay hợp tác xã hoạt động từ nguồn vốn khiêm tốn, hạn hẹp mà đi lên, không vay mượn quá nhiều. Các loại máy móc thiết bị cần thiết phải chắt chiu trong một thời gian dài để mua sắm nên giờ đã khá đầy đủ. Ông chỉ có chút băn khoăn là, nếu muốn bứt tốc phát triển nhanh là việc bất khả thi. Đặc biệt, với một thương hiệu mang tính địa phương như Eatu thì phải biết chắt chiu từ rất nhiều cơ hội nhỏ bé để đi lên, thành ra cái gì cũng phải mua sắm từ từ, từng bước một.

Ông chia sẻ, vay vốn dù khó khăn nhưng với uy tín cá nhân, sự hoạt động hiệu quả của hợp tác xã thì ông cũng có thể vay được. Nhưng vay mà phải chịu sức ép tài chính quá lớn, mạo hiểm để đầu tư cho bằng được, gánh nặng nợ nần quá lớn là điều ông không muốn bị cuốn vào. Ông bằng lòng và vui vẻ với công việc mình làm, vì biết giới hạn của chính mình và đơn vị. Ông cũng muốn đơn vị phát triển, nhưng phát triển phù hợp với nhịp độ của riêng mình, chậm rãi, nhưng chắc chắn.

Ông cũng phân trần là khả năng tìm được cán bộ trẻ, giỏi, muốn gắn bó lâu dài với đơn vị cũng khó. Hợp tác xã đóng chân trên địa bàn mà có tới 90% là bà con người dân tộc ít người; lớp thanh niên có trình độ lên thành phố đi học, không ai muốn quay trở về, tìm được người làm được việc, có trình độ, có chuyên môn, có sự thành tâm, muốn gắn bó lâu dài với hợp tác xã là việc khó. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động cho hợp tác xã dù có nhiều, nhưng hoạt động chưa thực chất, hầu hết các hợp tác xã như mô hình của ông đều đang phải “tự bơi”.

Việc xây dựng thương hiệu riêng cho thương hiệu Cà phê Eatu nhằm đẩy mạnh thị trường trong nước cũng gặp một số thách thức, khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành cà phê, vốn đã được định hình bởi có những “ông lớn” từ các tập đoàn đa quốc gia, gia nhập thị trường Việt Nam; thêm vào đó, còn nhiều gương mặt anh tài từ các thương hiệu nội địa, xuất hiện dày đặc trong vài năm trở lại đây. Nhưng vượt lên trên những khó khăn trở ngại, ông vẫn lạc quan, vui vẻ và vững tin. Ông tin là vẫn còn một con đường dành cho các thương hiệu như Cà phê Eatu và ông vẫn đang không ngừng tìm kiếm. Ông tin, tới một lúc nào đó Cà phê Eatu sẽ lớn mạnh hơn vì nhìn thấy tiềm năng của thị trường và chất lượng cà phê của Eatu không thua kém bất cứ thương hiệu nào. Để giải bài toán này, hợp tác xã đang tích cực tìm kiếm những biện pháp tối ưu, ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đưa hình ảnh Cà phê Eatu tới gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.

Hàng ngày, ông vẫn miệt mài làm việc với trái tim nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng. Ngay trong lúc trò chuyện, câu chuyện cũng bị ngắt quãng nửa chừng, do yêu cầu chỉ đạo điều hành công việc cần tới ông. Ông xoay sang làm việc với nhân viên rồi xoay sang làm việc với người đối diện mà vẫn nhớ rõ là mình đang trao đổi điều gì và nói tiếp một cách bình thản. Ông đã quen với việc làm nhiều việc cùng một lúc như vậy. Với ông, công việc chính là một niềm vui. Ông vui vì ngày nay cà phê Eatu đã được nhiều người biết đến. Vui hơn nữa là, hoạt động của hợp tác xã ngày càng phát triển tốt, đi đúng hướng. Hạt cà phê đặc sản Eatu cũng ngày càng có giá cao hơn, góp phần nâng cao giá trị mặt hàng cà phê Việt Nam khi ra thị trường nước ngoài; và vui nhất là nhìn thấy đời sống người trồng cà phê ngày càng đi lên, đúng với giá trị, công sức mà họ đã chăm chút cho vườn cà phê sạch suốt những năm qua.

Hà Thanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây