Kinh Dịch là một trong ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư nhưng rất kỳ lạ, thậm chí có thể nói là kỳ dị. Từ chỗ được xem là sách bói toán, Kinh Dịch phát triển thành sách triết học, được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực.
Khắp thế giới, có lẽ không có bộ sách nào kỳ dị như bộ Kinh Dịch. Nó là một trong ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa, không do một người viết, mà do nhiều người góp sức trong cả ngàn năm. Điều kỳ dị nhất của Kinh Dịch là chỉ dựa trên thuyết âm dương, với một vạch liền - tượng trưng cho dương, một vạch đứt - - tượng trưng cho âm, chúng chồng lẫn lên nhau thành 64 hình mới: lục thập tứ quái - đã diễn đạt tất cả quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, hiện tượng trên trời dưới đất...
Quẻ Lý: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn. Hanh thông.
Hổ rất hung dữ, chẳng may dẫm phải đuôi nó, sẽ khó toàn mạng. Nhưng khi không bị cắn, bạn là người tài giỏi. Chữ “hanh” ở đây, không phải hổ gầm. Ý chỉ người may mắn không bị hổ cắn, quả thực hanh thông, chỉ việc dễ dàng thuận lợi. Vậy thì, người sẽ cứ đi sau hổ ư? Không, chẳng ai ngốc vậy! Vận dụng vào trong cuộc sống, ta khó biết được người trước mặt mình là ai. Nhân gian có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Biết đâu người đối diện với ta lại có thể là “hổ” và có thể lật mặt, hung ác hơn hổ?
Hào lục tam trong quẻ nói đừng cho rằng mắt bạn luôn tinh tường, kỳ thực luôn có thể sai lầm. Khi nghe không tỏ, nhìn chưa thấu, sức khó làm nổi, nên nghĩ cách tháo gỡ.
Hào cửu tứ nói xéo đuôi cọp, cuộc sống đầy rẫy nguy cơ. Trong cuộc sống ta vẫn thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường rất có chí khí nhưng chỉ sau một lần “dẫm đuôi hổ” thì không dám bước lên nữa. Đó là chưa đọc hiểu hết tinh thần của quẻ Lý.
Khó khăn trong đời, chúng ta đón nhận, vượt qua. Rút kinh nghiệm để không mắc thêm sai lầm nữa, bạn mới có thể phát triển không ngừng.
Chử Cường/Hình minh họa: Internet