STNN - Ngày 11/11, Hội Luật gia TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hội Luật gia Thành phố Hà Nội 35 năm xây dựng và phát triển”; kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Luật gia TP. Hà Nội (11/11/1987 – 11/11/2022).
Khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội báo cáo kết quả 35 năm hoạt động của Hội Luật gia TP. Hà Nội. Báo cáo nêu rõ, trong 35 năm qua, Hội Luật gia TP. Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến người dân, người lao động trong các doanh nghiệp; tuyên truyền trực tiếp, cá biệt đến các hộ dân và các đối tượng chính sách, đặc thù, yếu thế; tuyên truyền đến học sinh; sinh viên…; phát hành tài liệu tuyên truyền; viết bài tuyên truyền pháp luật phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh, lên cổng thông tin điện tử các quận, huyện, thị xã; tham gia tích cực các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, thi hình thức sân khấu hóa; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hàng trăm nghìn lượt người, hàng nghìn doanh nghiệp; tham gia Tổ tuyên truyền giải phóng mặt bằng quận, vận động hàng nghìn hộ gia đình bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư và di chuyển…
Hội Luật gia TP. Hà Nội đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật với phương châm hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Luật Phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố, kết hợp với việc truyền tải các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, hội viên và nhân dân.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật gia Lê Trung Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Thành hội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho biết, trong 35 năm qua, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội Luật gia TP. Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ; cán bộ và hội viên có tinh thần trách nhiệm cao, biết lắng nghe ý kiến của người dân với tinh thần cầu thị và rút kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp, biện pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở.
Các cấp Hội đã quan tâm đổi mới phương thức hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật với hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã tạo bước chuyển biến mới về chất, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều loại đối tượng. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và người dân quan tâm, tham gia học tập và tìm hiểu, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh của Thủ đô, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật.
Lê Thị Thúy Hằng