Hướng mới cho nuôi trồng thủy sản

Toàn thành phố Hà Nội có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 23.400ha với các loại cá truyền thống (trắm, chép, trôi, mè, rô phi…). Để mở hướng nuôi trồng thủy sản mới, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình nuôi cá lồng lăng đen, quy mô 600m3, thực hiện tại 2 điểm: Phú Châu (huyện Ba Vì), Văn Đức (huyện Gia Lâm), mỗi điểm 1 hộ tham gia, bước đầu cho hiệu quả cao.

Theo bà Trần Thị Tình, Phó Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cá lăng có giá trị dinh dưỡng cao, không có xương dăm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là loài cá da trơn, sinh sống ở tầng đáy, nhiều phù sa, nước chảy chậm, tĩnh. Cá lăng ăn các loại côn trùng trên mặt nước, ấu trùng trong nước, tôm, cua, cá nhỏ. Qua nghiên cứu cho thấy, cá lăng có thể phát triển tốt trong môi trường lồng, bè với thức ăn chủ động. Nhận thấy nuôi loại cá này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhiều địa phương, nhất là khu vực có nhiều sông, suối, hồ, đầm… từ tháng 5-2021, đơn vị triển khai mô hình 6.000 con cá lăng đen giống kích cỡ 10-12cm/con (15-30g/con), trong đó: 50% vốn Nhà nước hỗ trợ (6.480kg loại 30% protein), 50% vốn do người dân đối ứng. Đến nay, đàn cá này phát triển đều, khỏe mạnh, trung bình đạt 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 70%; năng suất trung bình 12kg/m3, thu lãi 100-120 triệu đồng/300m3.

Tham gia mô hình, anh Phạm Ngọc Thanh – chủ hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì) cho biết, trước đây, gia đình anh nuôi các loại cá truyền thống (rô phi, trắm, trôi…) nhưng tốc độ tiêu thụ chậm. Trong khi đó, thị trường có xu hướng ưa chuộng thực phẩm mới lạ, vì vậy, khi được Trung tâm Khuyến nông thành phố và huyện hỗ trợ tham gia mô hình, gia đình rất phấn khởi, chủ động học hỏi cách nuôi cá lăng thương phẩm. Sau 7 tháng, mô hình cá lăng cho thu hoạch, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Một số nhà hàng, đơn vị đang nhận bao tiêu sản phẩm khi cá đạt trọng lượng lý tưởng, do đó thời gian tới, anh Thanh đầu tư thêm lồng nuôi mới, mở rộng quy mô.

Là cán bộ khuyến nông trực tiếp chỉ đạo mô hình, anh Đào Xuân Quân (Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì) chia sẻ, Ba Vì có tiềm năng về mặt nước tự nhiên, phát huy nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương, việc nuôi cá lăng thương phẩm là hướng đi mới góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mô hình này cũng có thể áp dụng tại các hồ nước lớn có lượng nước chảy thường xuyên…

Qua thực tế triển khai mô hình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho thấy, nuôi cá lồng lăng đen thương phẩm có ưu điểm dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, tận dụng dòng chảy, môi trường nước ít ô nhiễm, lượng ô xy trong nước cao, cá sinh trưởng phát triển tốt, giảm chi phí trong quá trình nuôi. Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật, thay đổi nhận thức trong phòng và trị bệnh bằng chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh, từ đó, tạo sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình bước đầu tạo vùng nuôi cá lồng tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và là nơi các địa phương tham quan, học tập…

Theo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây