Mở đại lộ mới cho nông sản: Cần cấp bách xây dựng lộ trình và kế hoạch căn cơ

Chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc là một giải pháp căn cơ.

Trao đổi hàng ngày, hàng giờ, thực hiện nhiều phương thức giao nhận nông sản chưa có tiền lệ

Thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản qua biên giới, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Công Thương, NNNPTNT, Tổng cục Hải quan, các cơ quan trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.

Với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết.

Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc. Đến sáng nay, tại tỉnh Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản.

Trong khoảng thời gian này, Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm ngày 15/3.

UBNT tỉnh Lạng Sơn dự kiến từ ngày 15/3 đến ngày 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ.

“Chúng tôi cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ”.

Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn.

Từ 90% xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chưa thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch

Về vấn đề chuyển xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch, bà Đoàn Thu Hà chia sẻ: Từ thực tiễn cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch đang chiếm đến 90%, tỷ lệ chính ngạch chỉ có 10%.

Việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới… điều đó tác động đến thương mại song phương.

Theo bà Hà, chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách.

Về việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc là một giải pháp căn cơ.

Bà Hà cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để các địa phương rà soát lại các tiêu chí, vùng trồng, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, để cân đối giữa quy mô và thị trường tiêu thụ.

Theo Báo điện tử Chính Phủ 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây