Năm Hổ bàn chuyện hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Nhân dịp chào xuân Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”, bắt đầu từ ngày 18/01 đến ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là một điểm du xuân thú vị trong năm “con hổ”.

con hổHình tượng hổ trong văn hóa Việt Nam xuất hiện từ thời tiền sử, cách đây hơn 2.000 năm. Bước vào mỹ thuật từ thời kỳ Đông Sơn, hình tượng hổ đã đồng hành và gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, ảnh hưởng của văn hóa, tâm linh, tôn giáo ở từng thời đại, cách tạo hình, phong cách, ứng dụng và ý nghĩa của hình tượng hổ cũng có những nét đổi thay rõ rệt.

Chuyên đề trưng bày có trên 30 hiện vật cùng các tài liệu, hình ảnh chọn lọc được giới thiệu đến công chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Để khái quát trọn vẹn quá trình phát triển đồng thời làm nổi bật giá trị của hình tượng hổ, chuyên đề được trưng bày theo niên đại kết hợp loại hình, gồm các nội dung sau:

Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn

Người Đông Sơn thể hiện hình tượng hổ trên chiếc qua đồng hoặc mặt và tang trống đồng. Hổ thời kỳ này được tạo hình với các chấm trên thân hay được tạo bằng những khối tròn, như: bốn khối tượng hổ cắp mồi trên nắp thạp đồng Vạn Thắng, tượng hổ kết hợp với rắn,… Tất cả vừa mang tính tả thực, vừa mang tính ước lệ, thể hiện được sức mạnh, oai linh của loài vật này.

Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu Công nguyên

Văn hóa Việt Nam trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên bị ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa. Dưới tác động, chi phối mạnh mẽ của luồng văn hóa mới, hình tượng hổ cũng có những thay đổi, chuyển biến về tạo hình và ý nghĩa. Hình tượng hổ thời kỳ này mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, gắn với quan niệm về Tứ tượng hay còn được gọi là Tứ linh, Tứ Thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (phương Nam), Huyền Vũ (phương Bắc). Vì vậy, tạo hình thẩm mỹ của hình tượng hổ trong 10 thế kỷ đầu có nhiều điểm khác so với hình ảnh hổ trong thực tế. Tư duy thẩm mỹ thời kỳ này chú trọng đến sự hài hòa, uyển chuyển phác họa kỹ lưỡng, tập trung vào phần đầu đến trước ngực và phần mông đến chân sau (gồm cả đuôi) toàn thân gấp khúc như hình chữ “S”.

Hổ trong nghệ thuật thế kỷ 10 – 20

Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 – 18

Bước sang thế kỷ 10, Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc, bắt đầu thời kỳ dựng xây các triều đại phong kiến tự chủ. Sự phát triển của triều Lý đã đưa đất nước trở nên cường thịnh, thúc đẩy văn minh Đại Việt đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Vào thời Trần, hổ được tạo hình khỏe khoắn, sinh động, thể hiện được sự dũng mãnh, oai phong nên được coi như linh thú trấn yểm, trông coi bảo vệ lăng mộ vua chúa. Đến thời Lê – Trịnh, tượng hổ tại các lăng mộ của quan lại thường có kích thước lớn, tạo hình trau chuốt mang tính tả thực cao. Tượng được đặt phía ngoài cùng hoặc ngoài tường bao của lăng mộ. Như vậy, có thể thấy, từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, hổ được coi như môn thú đảm nhiệm chức trách canh gác ở cửa khu lăng mộ.

Hổ trong nghệ thuật gốm

hình tượng con hổ
Mảnh gạch trang trí hổ sông nước (chất liệu đất nung, niên đại TK 11-14)

Trong nghệ thuật gốm, hổ xuất hiện khá sớm nhưng không được ưa chuộng bằng các linh vật như long, ly, quy, phượng. Những sản phẩm gốm có hình hổ đầu tiên xuất hiện trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, được tạo hình khỏe khoắn, sinh động, mang vẻ dũng mãnh.

Hổ trong điêu khắc đình làng thế kỉ 16 – 18

Đình làng là công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Thời kỳ này, hình tượng hổ xuất hiện nhiều trên các bức chạm gỗ ở đình làng. Có thể kể đến những ngôi đình nổi tiếng có bức chạm hình hổ như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ,… Trong điêu khắc, hổ thường xuất hiện ở những hoạt cảnh hay không gian gần gũi, thân thuộc nên tạo hình thời kỳ này đa dạng, mộc mạc không bị gò bó, ví dụ: hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người đánh hổ và voi săn hổ (đình Chảy),…

Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống

Ở dòng tranh này, Ngũ hổ là bức nổi tiếng nhất được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thường được trưng bày trong không gian tín ngưỡng, thờ phụng. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.

con hổ
Tranh Ngũ hổ Hàng Trống

Hình tượng hổ trong tranh dân gian Hàng Trống được tạo hình dựa trên những nguyên tắc, đặc điểm của dòng tranh này. Màu sắc lộng lẫy, uy nghi nhưng rất hài hòa, độc đáo. Đường nét khỏe khoắn mang tính ước lệ cao các hình khối sắp xếp nổi bật, bố cục hài hòa, họa tiết tinh tế,… tạo nên tổng thể vừa uy nghiêm, vừa sinh động.

Hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20

Vào thời Nguyễn, mỹ thuật phát triển mạnh mẽ, để lại nhiều di sản phong phú, đa dạng. Điển hình là công trình Hổ quyền – đấu trường của voi và hổ được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng.

Hình tượng hổ thời kỳ này đa sắc, đa dạng, từ cung đình cho tới dân gian, đến các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng hay đời sống thường nhật. Sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hình tượng hổ được sử dụng với ý nghĩa may mắn, chúc phúc, trừ tai,…

Đến với triển lãm “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” công chúng có cơ hội khám phá và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của hình tượng hổ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Bài: Tuyết Nhung – Ảnh: BTLSQG

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây