Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng nhằm cung cấp nguồn lợn giống và thịt lợn an toàn tại tỉnh Bắc Ninh

STNN – Việt Nam là nước phát triển mạnh về chăn nuôi lợn, hiện khoảng 75% sản lượng thịt tiêu thụ trên thị trường nội địa là thịt lợn, trung bình hàng năm cung ứng khoảng 3,7 triệu tấn thịt lợn. Trên cả nước hiện có khoảng 2,6 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, giải quyết việc làm cho khoảng 7 triệu lao động.

Trong những năm gần đây việc nhân giống, nuôi lợn rừng, lợn rừng lai có chiều hướng phát triển mạnh ở nhiều vùng trong cả nước. Sản phẩm chăn nuôi từ lợn rừng đã cung cấp được một phần nhu cầu thực phẩm sạch đang ngày càng tăng trong xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn. Trong xã hội tiêu dùng hiện nay, có một bộ phận không nhỏ và ngày càng gia tăng, họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn hơn để có được thực phẩm sạch, nguồn gốc tự nhiên trong khi nghề nuôi lợn truyền thống luôn phải đối đầu với các vấn đề nan giải như dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng… nạn trộn chất cấm, chất tạo nạc vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp… dẫn đến chất lượng và độ an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Do đó, sản phẩm thịt lợn rừng luôn giữ được giá cao hơn so với các lợn thịt thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay phương thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn bản địa, lợn rừng, lợn rừng lai là vấn đề khá mới mẻ đối với nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và nông hộ nhỏ trên cả nước. Dù có thị trường đầu ra giá cao, ít rủi ro dịch bệnh hơn việc chăn nuôi các giống lợn khác nhưng người dân chủ yếu vẫn chăn nuôi tự phát nên không nắm được kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng, không áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp dẫn đến tỷ lệ thụ thai của lợn rừng nái kém, thai hay chết lưu, tỷ lệ nuôi sống, năng suất thịt thấp. Từ đó nguồn cung ứng cho thị trường ít ổn định và thấp, dẫn đến tình trạng không giữ được lượng khách hàng thường xuyên và phát triển tốt các khách hàng tiềm năng. Trước thực trạng như trên đã xuất hiện nhu cầu người chăn nuôi thực sự mong muốn phát triển chăn nuôi lợn rừng để đáp ứng cho thị trường tiêu dùng nội địa rất tiềm năng này và xuất hiện bộ phận người tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng đó. Đây là nguồn kích cung rất lớn cho hướng chăn nuôi theo hướng “sạch” và “an toàn sinh học”. Bắc Ninh là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thuần nông, vốn có nguồn phụ phẩm trồng trọt và từ các nghề chế biến nông sản rất dồi dào. Việc tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, rẻ, chất lượng tại chỗ sẽ giúp người chăn nuôi lợn rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, khắc phụ hiện trạng phụ thuộc giống ở tỉnh khác.

Với mục tiêu có thể xây dựng được bộ Quy trình chọn giống, nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh thú y phòng bệnh cho lợn rừng nuôi ở tỉnh Bắc Ninh và xây dựng được 1 mô hình chăn nuôi lợn rừng vừa cung ứng giống vừa cung cấp lợn rừng thịt và thịt lợn rừng cho thị trường trong tỉnh, nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do ThS. Đào Lệ Hằng làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng nhằm cung cấp nguồn lợn giống và thịt lợn an toàn tại tỉnh Bắc Ninh”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã thực hiện đúng, đủ nội dung đặt hàng nghiên cứu. Một số chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đạt cao hơn so với các công bố trước. Đối với lợn rừng nuôi tại Bắc Ninh đạt được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính như sau:

Khối lượng trung bình con sơ sinh đạt 0,44kg, tỷ lệ đực trong đàn sơ sinh chiếm 53%, tỷ lệ sống sót sau sinh đạt 96,84%, tỷ lệ sống sót đến cai sữa đạt 98,32%, khối lượng con cai sữa đạt 32,81 kg, tốc độ tăng trọng từ giai đoạn sơ sinh đến cai sữa là 10,79 g/con/ngày. Tuổi động dục lần đầu và tuổi giao phối lần đầu chậm hơn các cơ sở khác lần lượt là 143,07 ngày và 233,07 ngày nhưng thời gian động dục lại sau sinh và sau cai sữa khá nhanh là 76,99 ngày và 16,75 ngày. Thời gian chửa 110,22 ngày. Tỷ lệ thụ thai đạt cao là 63,33% tổng đàn nái. Số lượng lợn con sinh ra trong mô hình là 659 con, tạo được đàn giống mới với 247 con đủ tiêu chuẩn làm giống. Kết quả vượt mong đợi ban đầu. Lợi nhuận người chăn nuôi thu được trong thời gian nghiên cứu của đề tài đạt 531.007.000 đồng. Hiệu suất kinh tế đạt 66%, rất thuyết phục người đầu tư.

Đề tài kiến nghị ứng dụng 06 Quy trình chăn nuôi lợn rừng tại Bắc Ninh vào sản xuất đại trà trong tỉnh và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng trên phạm vi toàn tỉnh Bắc Ninh cũng như tổ chức sản xuất và thị trường để góp phần bảo tồn tại chỗ và bền vững nguồn gen vật nuôi lợn rừng nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học, tài nguyên gen vật nuôi, tăng cơ hội cho người chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo và cung ứng thêm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Điểm mới của đề tài là lần đầu tiên nghiên cứu xây dựng một mô hình chăn nuôi đa mục đích vừa khai thác lấy giống vừa khai thác lấy thịt trên đối tượng lợn rừng ở một tỉnh chưa hề phát triển chăn nuôi lợn rừng và là một tỉnh đồng bằng sông Hồng như tỉnh Bắc Ninh. Điều này giúp người chăn nuôi có thêm cơ hội đầu tư tốt, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi phù hợp tùy từng thời điểm, chủ động về giống và phương án chăn nuôi, giúp người tiêu dùng tại địa phương có thêm nguồn thực phẩm mới an toàn để tiêu dùng, gián tiếp có tác dụng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên nguồn gen vật nuôi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17979/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo VISTA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây