Các quốc gia trên thế giới đang ngày càng coi trọng việc bảo đảm an ninh nguồn nước, vì đây là loại hình an ninh phi truyền thống và tài nguyên nước được xác định là tài nguyên chiến lược thứ hai, sau con người. Ở nước ta, trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước đang đối mặt nhiều thách thức.
Với đặc thù là quốc gia đang phát triển chịu tác động rất lớn từ hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, ngập lụt có xu thế ngày càng cực đoan, nhất là với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sử dụng hơn 80% tổng lượng nước, Việt Nam dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai liên quan đến nước.
Nơi khát cháy, nơi úng ngập
Xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vốn là vùng nổi tiếng trồng cây hành tím, nho, táo, cỏ chăn nuôi gia súc. Thế nhưng nhiều tháng qua, nông dân nơi đây rất vất vả vì thiếu nước tưới. Do hồ Ông Kinh cạn trơ đáy, người dân đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng ngay giữa lòng hồ khô cạn từ 30 -100 m để tìm nước tưới.
Nhiều nông dân đã mất trắng khi khoan giếng mà vẫn không có nước. Những hộ tìm được ít mạch nước ngầm thì phải đặt máy bơm lắp ống dẫn nước hàng ki-lô-mét để đưa nước về tưới, nhưng cũng chỉ để cứu tạm thời cây trồng trong mùa vụ đang sản xuất giữa chừng. Anh Trương Tua, ở thôn Mỹ Tường 1 rầu rĩ nói: “Tôi trồng bảy sào hành tím trong vụ này, bỏ ra mấy chục triệu đồng khoan giếng giữa lòng hồ Ông Kinh nhưng nguồn nước ngầm rất ít, chỉ tưới tạm thời đến đâu hay đến đó. Thiếu nước tưới thì mùa này coi như bị mất trắng”.
Anh Lưu Minh Trí, cán bộ nông nghiệp xã Nhơn Hải cho biết: “Toàn xã có khoảng 30 giếng khoan dưới lòng hồ Ông Kinh và các nơi khác, nhưng lượng nước ngầm không đủ tưới cho các vùng trồng. Mùa vụ này, nhiều nông dân sẽ mất trắng”.
Những tháng mùa khô, các tỉnh Nam Trung Bộ lượng mưa rất thấp; thậm chí có nơi không có mưa. Thống kê cho thấy tổng lượng mưa ở những khu vực này đang thấp hơn trung bình của cả nước từ 20 - 40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40 - 70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng… Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra những đợt hạn hán nghiêm trọng, nhiều hồ chứa nước trong khu vực xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy. Riêng mùa khô năm 2020 - 2021 có hơn 80 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 46.000 ha cây trồng phải bỏ vụ.
Bên cạnh hạn hán, Việt Nam là một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi năm phải hứng chịu hơn 10 cơn bão, kèm theo đó là mưa lũ, lụt lội. Năm 2020, mưa lũ gây ngập úng trên diện rộng, làm sạt lở đất kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người và tài sản ở nhiều tỉnh miền trung.
Do điều kiện tự nhiên, chúng ta phải thường xuyên đối mặt với các thiệt hại và rủi ro thiên tai nghiêm trọng. Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng... đã, đang và sẽ là những thách thức khách quan rất lớn bên cạnh những yếu tố chủ quan cho vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay.
Ô nhiễm tràn lan
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 cho thấy, tỷ lệ nước thải sinh hoạt chiếm hơn 30% tổng lượng nước lưu thông trong các sông, hồ, kênh, rạch. Thế nhưng, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường ở mức thấp (Hà Nội là 20,62%, TP Hồ Chí Minh là 13%). Nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình, từ các làng nghề hầu như không được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường.
Trong khi đó, rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.
Không chỉ nguồn nước mặt, gần đây chất lượng nguồn nước ngầm tại một số vùng đang bị suy giảm do nhiễm mặn và ô nhiễm, phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và amoni trong nước ngầm được ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn. Ô nhiễm các dòng sông do sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một thời gian dài cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ nước ta chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào chiếm tới 63% và nguồn nước ngoại sinh này nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của chúng ta. Nhiều năm gần đây, các quốc gia đầu nguồn đã tăng cường đầu tư, khai thác nguồn nước cho các mục đích phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh... Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, điều này cũng trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước của nước ta, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Tăng cường cơ chế phối hợp bảo đảm an ninh nguồn nước
Ở nước ta, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Tỉnh thông tin thêm: “Chúng ta đang tiềm ẩn và đối mặt nguy cơ mất an ninh nước. Hiện tại, nhiều vùng, địa bàn đã không cân đối được nguồn nước cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm an ninh nguồn nước góp phần bảo đảm nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện cam kết quốc tế về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và góp phần phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Nội hàm của an ninh nguồn nước bao trùm lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do vậy cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, phải được giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài”.
Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp cấp bách và hành động cụ thể, để bảo đảm an ninh nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, lấy tài nguyên nước là cốt lõi, kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng về nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt; gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế, kết hợp hài hòa lợi ích, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm công bằng, hợp lý. Song song đó, đẩy mạnh ngoại giao về nước với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam và các đối tác quốc tế khác thông qua đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng và khai thác bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó thiên tai liên quan nước và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm và đáp ứng các yêu cầu về nước cho con người, cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan liên quan nước…
Văn Lúa, Nguyễn Trung/Nhân dân