Những hình ảnh đoạt giải thưởng Nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã năm 2021

Hình ảnh nơi sinh sản của kỳ giông khổng lồ, cá ma, căn phòng đầy nhện… là những tác phẩm đoạt giải thưởng Nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã năm 2021.

Giải thưởng Nhiếp ảnh gia Động vật hoang dã của Năm, được thành lập vào năm 1965, là một cuộc thi quốc tế thường niên về những bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất. Năm nay, cuộc thi thu hút hơn 50.000 tác phẩm dự thi từ 95 quốc gia.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (London, Anh) đã công bố những hình ảnh chiến thắng cuộc thi Nhiếp ảnh gia Động vật hoang dã của năm 2021.

Nhiếp ảnh gia và nhà sinh vật học dưới nước người Pháp Laurent Ballesta đã được công bố là Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã của Năm cho bức ảnh “Sinh tồn” của anh. Tác giả đã chụp cảnh những con cá mú ngụy trang thoát ra khỏi đám mây trắng đục gồm trứng và tinh trùng của chúng ở Fakarava, Polynesia thuộc Pháp. Trong 5 năm qua, Laurent và nhóm của anh đã trở lại đầm phá này, lặn ngụp cả ngày lẫn đêm để không bỏ lỡ đợt sinh sản hàng năm chỉ diễn ra vào khoảng rằm tháng Bảy của loài cá này. Hiện nay, hoạt động đánh bắt quá mức đã đe dọa đến vấn đề sinh tồn của cá mú ngụy trang. Để bảo tồn giống cá này, chúng hiện được bảo vệ trong một khu dự trữ sinh quyển đặc biệt.
Tác phẩm “Cái chạm thân mật” của nhiếp ảnh gia Shane Kalyn đã chiến thắng hạng mục Chim chóc. Tác giả đã chụp lại màn tán tỉnh “bạn tình” của chú quạ Canada. Để chụp được bức ảnh này, Kalyn phải chờ đến giữa mùa Đông, thời gian bắt đầu mùa sinh sản của quạ. Bộ lông đen óng của hai “nhân vật chính” trên nền tuyết trắng tương phản đã làm điểm nhấn cho khoảnh khắc trao đổi những “tín vật” là những cọng rêu, cành cây hay những viên đá nhỏ.
Tác phẩm “Nơi sinh sản của sa giông khổng lồ” của João Rodrigues đã chiến thắng hạng mục Lưỡng cư và bò sát. Bức ảnh này gây ấn tượng khi ghi lại cảnh “tình cảm”nhau của một cặp sa giông Tây Ban Nha lưng đầy gai sắc nhọn. Rodrigues cho biết, đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy cảnh này trong 5 năm lặn ở hồ nước, bởi vì loài này chỉ xuất hiện vào ngày có lượng mưa lớn trong mùa Đông. Rodrigues chỉ có thời gian rất ngắn để điều chỉnh cài đặt máy ảnh của mình trước khi đôi sa giông bơi đi. Sa giông gân Tây Ban Nha hay còn được gọi là sa giông gân Iberia (Pleurodeles waltl) là một loài đặc hữu ở miền Trung và Nam bán đảo Iberia và Morocco. Loài này được biết đến với khả năng tự vệ độc đáo là tự đâm xương sườn xuyên qua da ra ngoài để tạo nên một thứ vũ khí sắc nhọn. Khi một chiếc xương sườn bị mất đi, một chiếc khác sẽ được mọc lên thay thế. Tương tự xương sườn, các cơ quan khác như chi, thậm chí não của Sa giông gân Tây Ban Nha cũng có khả năng tự tái tạo.
Tác phẩm “Đối đầu” đã giúp nhiếp ảnh gia người Italy Stefano Unterthiner chiến thắng ở hạng mục Động vật có vú. Trong ảnh: Hai con tuần lộc Svalbard chiến đấu để giành quyền kiểm soát “hậu cung”. Theo dõi trận chiến, Unterthiner đã đắm chìm trong “mùi, tiếng ồn, cảm giác mệt mỏi và đau đớn” của các “dũng sĩ”. Các con tuần lộc đực dùng gạc làm vũ khí chiến đấu cho đến khi đuổi được đối thủ của mình đi, giành lấy cơ hội giao phối với con cái trong đàn. Tuần lộc là loài động vật phổ biến ở Bắc Cực, nhưng phân loài này chỉ xuất hiện ở Svalbard. Cuộc sống của các cá thể tuần lộc Svalbard đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, làm cho lượng mưa nơi đây tăng lên, sau đó đóng băng che phủ thảm thực vật trên mặt đất, khiến loài vật này không thể tìm được thức ăn.
Người chiến thắng giải thưởng danh mục Ngôi sao đang lên Martin Gregus đã ghi lại khoảnh khắc thư giãn giữa mùa Hè của hai chú gấu Bắc Cực. Tác giả đã sử dụng máy bay không người lái để ghi lại khoảnh khắc hai con gấu chơi đùa trong làn nước mát, xua tan một ngày nắng nóng. Gregus chia sẻ, hình trái tim tượng trưng cho tình cảm gia đình của loài vật và ‘tình yêu của con người đối với thế giới tự nhiên”. Gregus đã dành ba tuần để chụp ảnh những con gấu xung quanh Vịnh Hudson. Theo anh, vào mùa Hè, do gấu Bắc Cực dễ dàng tìm kiếm thức ăn nên chúng trở nên hòa đồng hơn.
Người chiến thắng hạng mục Động vật trong môi trường sống của chúng Zack Clothier với tác phẩm “Đồ ăn thừa của gấu xám Bắc Mỹ”. Trong ảnh: Chú gấu xám Bắc Mỹ khá tò mò với máy ảnh được đặt trên một thân cây bị đổ của Zack. Đây cũng là khung hình cuối cùng được chụp trên máy ảnh. Gấu xám Bắc Mỹ là một trong 10 loài gấu lớn nhất thế giới, chúng thường dành 5-7 tháng để ngủ Đông và xuất hiện trở lại vào mùa Xuân. Thức ăn của loài gấu này khá đa dạng từ cỏ, hoa màu, chồi non, quả mọng cho đến cá hồi, chồn, chim, thỏ rừng sóc…
Tác phẩm chiến thắng hạng mục Thực vật và Nấm của Justin Gilligan chụp sự tương phản hình ảnh của một người bảo vệ rạn san hô nổi bật giữa các loài rong biển. Thông qua hình ảnh này, Gilligan muốn tuyên truyền về công việc bảo tồn sinh vật và thực vật biển tại rạn san hô nhiệt đới ở cực Nam của thế giới – nằm ở ngoài khơi phía Tây của đảo Lord Howe (thuộc của bang New South Wales, Australia). Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ nước biển đã ảnh hưởng đến các rạn san hô, trong đó có các “vườn” rong biển, nơi sinh sống của hàng trăm loài sinh vật, đồng thời cũng là “nhà máy” hấp thụ carbon và sản xuất oxy, bảo vệ bờ biển.
Tác phẩm giúp Majed Ali trở thành người chiến thắng hạng mục Chân dung động vật. Để chụp được bức ảnh này, Ali đã đi bộ trong 4 giờ để gặp Kibande, một con khỉ đột núi gần 40 tuổi. Khỉ đột núi thuộc loại khỉ đột miền Đông – một loài linh trưởng lớn nhất thế giới hiện còn tồn tại, được tìm thấy ở độ cao trên 1.400 mét trong hai quần thể biệt lập: núi lửa Virunga và khu vực Bwindi. Phân loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, dịch bệnh và nạn săn bắt trộm.
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Gil Wizen đã chiến thắng hạng mục Động vật không xương sống miêu tả hành động “dệt” tơ để bảo vệ túi trứng của một con nhện cái. Trong một lần tình cờ, tác giả đã phát hiện ra con nhện này dưới lớp vỏ cây. Wizen chia sẻ: “Hoạt động của những con nhện làm tôi nhớ đến chuyển động của ngón tay con người khi dệt vải. Loài nhện này phổ biến ở các vùng đầm lầy và rừng ôn đới phía Đông Bắc Mỹ. Một túi trứng nhện thường có hơn 750 quả trứng được ghi nhận trong một túi duy nhất. Nhện cái sẽ mang theo túi trứng cho đến khi trứng nở và “giải thoát” nhện con”.
Tác phẩm “căn phòng đầy nhện” đã giúp nhiếp ảnh gia Gil Wizen chiến thắng hạng mục Động vật hoang dã ở đô thị. Tác giả đã tìm thấy một con nhện lãng du Brazil (Phoneutria) đang canh gác đàn cho đàn con của nó dưới gầm giường. Trước khi di chuyển nó ra ngoài trời một cách an toàn, Wizen đã sử dụng phối cảnh để khiến con nhện có kích thước bằng bàn tay người biến thành con nhện khổng lồ, chiếm phần lớn không gian của “căn phòng”. Nhện lãng du Brazil được đánh giá là loài nhện độc nhất thế giới hiện nay. Vết cắn của nó có thể hạ gục một người trưởng thành chỉ trong vài phút. Loài nhện độc này được gắn với tên lang thang vì thói quen săn mồi của chúng. Nếu như các loài nhện khác sử dụng mạng nhện và bẫy con mồi thì những con nhện này thường đi săn trên mặt đất và chủ động tìm kiếm, tấn công con mồi.
Tác phẩm “Con đường đổ nát” của nhiếp ảnh gia Javier Lafuente đã chiến thắng hạng mục Vùng đất ngập nước. Bằng cách điều khiển máy bay không người lái, Lafuente đã chụp lại hình ảnh một con đường thẳng tắp chia đôi vùng đất ngập nước. Con đường này được xây dựng vào những năm 1980 để tạo lối vào một bãi biển.
Nhiếp ảnh gia Brent Stirton là người chiến thắng hạng mục Phóng viên ảnh. Anh đã ghi lại hình ảnh Giám đốc Trung tâm Phục hồi Linh trưởng Lwiro (Kinshasa) đang âu yếm một con tinh tinh mồ côi do nạn buôn bán động vật hoang dã. Tại đây, tinh tinh con được chăm sóc để xoa dịu những tổn thương về tâm lý và thể chất. Trong ảnh là số ít tinh tinh con may mắn vì chỉ có 1/10 tinh tinh con được cứu sống khỏi những người chuyên săn bắt và mua bán động vật hoang dã.
Vidyun R Hebbar, 10 tuổi, đã được trao giải Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã Trẻ của Năm 2021 cho bức ảnh đầy màu sắc “Ngôi nhà mái vòm”. Bức ảnh chụp một con nhện đang giăng tơ khi một chiếc xe tuk-tuk đi qua phản chiếu sắc màu cầu vồng lên lớp tơ nhện màu trắng. Vidyun lần đầu tiên tham gia cuộc thi khi mới 8 tuổi. Cậu bé thích chụp ảnh những sinh vật nhỏ bé sống trên đường phố và công viên gần nhà ở thành phố Bengaluru, Ấn Độ.
Lasse Kurkela đã chiến thắng ở hạng mục dành cho độ tuổi từ 15-17 tuổi. Cậu bé ghi lại hình ảnh một con chim giẻ cùi ở Siberia bay trên những ngọn cây phủ đầy tuyết để kiếm thức ăn. Để chụp được bức ảnh này, Lasse đã sử dụng những miếng pho mát để làm quen và dụ con chim bay theo máy ảnh điều khiển từ xa của cậu.
Alex Mustard đã chiến thắng ở hạng mục Nghệ thuật tự nhiên bởi bức ảnh chụp một con cá ống ma ẩn mình giữa các cành tảo biển. Bức ảnh của Mustard truyền tải sự bối rối mà một kẻ săn mồi có thể gặp phải khi thấy khung cảnh như chiếu qua “chiếc kính vạn hoa” có màu sắc và hoa văn này. Dựa theo màu sắc của con cá ống ma non, Mustard dự đoán nó được sinh ra ở rạn san hô trong 24 giờ trước.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây