Nông dân Sơn La phấn khởi mở rộng diện tích trồng khi mía được giá

Những năm trước đây, diện tích trồng cây mía liên tục giảm khiến cơ thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất đường. Niên vụ sản xuất này, có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng mía, từ đó bà con phấn khởi mở rộng diện tích.

Ảnh minh họa. Nguồn: KT

Nhiều năm liền giá mía thấp, các loại cây ăn quả lên ngôi khiến vùng nguyên liệu mía đường Sơn La liên tục giảm. Vụ sản xuất năm ngoái, vùng nguyên liệu thu mua chỉ còn hơn 7.600 ha. Với công suất 5.000 tấn mía/ngày, nhà máy đường tại Sơn La cần khoảng 600.000 tấn mía nguyên liệu, tương đương với khoảng hơn 9.200 ha mía.

Vụ sản xuất năm nay, nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con như: Tăng giá thu mua mía từ 850.000 đồng/tấn lên 880.000 đồng/tấn; đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác; đưa phân bón chuyên dùng cho cây mía vào đồng ruộng; phát triển giống mía mới có năng suất, chất lượng cao; đầu tư hỗ trợ toàn vùng nguyên liệu không hoàn lại; hỗ trợ cho nông dân tiền làm đất; hỗ trợ giống mía; hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng với tổng trị giá gần 34 tỷ đồng.

Đến nay, công ty sản xuất mía đường đã ký hợp đồng bao tiêu cho trên 10.000 hộ dân, dự kiến tổng sản lượng đạt 600 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc nhà máy chế biến đường, Công ty Cổ phần mía đường Sơn La cho biết: “Công ty đã mở rộng những địa bàn trồng mía mới, có chương trình đầu tư, khuyến khích người dân. Mỗi hộ dân trồng mới hỗ trợ tiền làm đất từ 3 – 8 triệu đồng; hỗ trợ tiền giống mía mới. Đó là những chính sách thiết thực để thúc đẩy bà con gắn bó với mía, thâm canh nâng cao năng suất, phát triển bền vững”.

Chiềng Lương là một trong những xã có diện tích mía lớn nhất huyện Mai Sơn. Từ nhiều năm nay cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương nói: “Không có vốn nhà máy đầu tư vốn, mọi chi phí đầu tư nhà máy lo và đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Nhà máy có sự liên kết tốt với người dân, báo giá mía từ đầu năm. Từ khi có cây mía chúng tôi thấy thu nhập, đời sống của người dân tăng lên và xã cũng xác định cây mía là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Người trồng mía ở Sơn La cho biết, việc đầu tư trồng cây mía không quá vất vả, khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch thì bón phân lót, bón thúc, làm cỏ 2 lần và phòng trừ sâu bệnh. Trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh Covid-19, song bà con vẫn yên tâm mở rộng diện tích trồng mía khi được Công ty Cổ phần mía đường Sơn La hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch mới phải thanh toán.

Ông Cầm Văn Nén, bản Ý Lường, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn cho biết: “Gia đình tôi trồng mía từ rất nhiều năm, năm nay gia đình đã mở rộng được diện tích lên hơn 2 ha, tổng thu nhập bình quân cũng ổn định, trừ chi phí cũng được 45-50 triệu đồng/ha”.

Năm trước, gia đình ông Lò Văn Phường ở bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cùng nhiều gia đình trong bản được công ty sản xuất mía đường cho đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng mía tại tỉnh Phú Yên. Sau khi về, bà con đã áp dụng theo mô hình mới, đó là trồng mía theo hố. Ông Phường cho biết, ưu điểm của cách trồng mới này là dễ chăm sóc cây mía cứng cáp không bị đổ, lượng phân bón không bị rửa trôi sau mưa, sản lượng tăng hơn so với mọi năm, bình quân đạt 100 tấn/ha.

Bước vào vụ sản xuất mới, mía đường Sơn La đang theo sát giá đường trong và ngoài nước để có những điều chỉnh giá thu mua mía kịp thời theo hướng có lợi cho nông dân, để bà con làm ăn có lãi, yên tâm gắn bó lâu dài, mở rộng diện tích trồng mía.

Theo VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây