Ô nhiễm nhựa cũng có trong máu của chúng ta

STNN – Theo kết luận trong Báo cáo nghiên cứu của Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường của Pháp (CESE), được công bố ngày 11/4/2023, 81% sản phẩm làm từ nhựa bị thải ra môi trường trong vòng chưa đầy một năm.

Báo cáo cảnh báo “sự ô nhiễm hành tinh” và mô tả tình trạng này như một “quả bom hẹn giờ”. Theo kết luận của Báo cáo, 81% sản phẩm làm từ nhựa bị thải ra môi trường trong vòng chưa đầy một năm. Loại nhựa này làm ô nhiễm đất, nước, không khí và thậm chí cả máu. “Ô nhiễm nhựa là một tai họa vì chúng ta tìm thấy nó trong đất và nước, nhưng ở dạng hạt trong không khí mà chúng ta hít thở, trong máu và thậm chí cả trong sữa mẹ”, Nathalie Van Den Broeck, Phó Chủ tịch của hiệp hội Surfrider Foundation cho biết. “Một báo cáo của WWF năm 2019 ước tính rằng mỗi cá nhân sẽ nuốt 2.000 hạt nhựa mỗi tuần, tương đương với 5g”.

Lấy cảm hứng từ mô hình Nutri-Score, các tác giả của Báo cáo nghiên cứu nêu ra khả năng thiết lập “dấu chân nhựa” để giúp người tiêu dùng “biết sản phẩm họ mua chứa bao nhiêu nhựa, liệu nó có nguồn gốc sinh học hay không và mức độ tái chế của nó khi hết hạn sử dụng”. Đến năm 2060, lượng tiêu thụ nhựa có thể tăng gấp đôi. Do đó, CESE kêu gọi cấm nhựa sử dụng một lần trên phạm vi quốc tế vào năm 2040.

Trước đó, Tổ chức Quốc gia Hà Lan về nghiên cứu và phát triển y tế và Tổ chức Common Seas chuyên hành động giảm ô nhiễm rác nhựa đã công bố nghiên cứu trên tạp chí Environment International ngày 24/3/2023, cho biết  các nhà khoa học đã dùng các kỹ thuật hiện có để dò tìm và phân tích các hạt vi nhựa có kích thước nhỏ tới 700 nanomet (nm) và nhắm tới 5 loại nhựa phổ biến nhất, trong đó có polyethylene terephthalate (còn gọi là PET và được dùng trong các chai nhựa), và polyethylene – loại vật liệu thường dùng làm hộp đựng thức ăn.

Hiện nay vi nhựa đã có ở khắp nơi trong môi trường, trong cơ thể các loài sinh vật biển và trong nước uống. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tới nay vẫn chưa có đủ thông tin để kết luận mức độ độc hại của chúng với sức khỏe con người và vẫn cần nghiên cứu thêm.

Theo Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa thải ra, trong đó ít nhất 14 triệu tấn trôi ra đại dương và có thể bị các sinh vật biển ăn phải, trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người. Một số loại vật liệu phải mất nhiều thế kỷ để phân rã, trong đó có rác nhựa. Những lo ngại về tác hại ô nhiễm lâu dài của rác nhựa đã khiến nhiều nước thực thi luật giảm dần và tiến tới xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.

P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/, 12/4/2023

Theo: vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây