Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản

Việc phát triển các vùng sản xuất lúa gạo đặc sản tập trung với nhiều giống lúa mới đã góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Hà Nội trên thị trường. Đây chính là cơ sở để phát triển thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng lúa vụ xuân năm 2022 tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa).

Gạo đặc sản chiếm lĩnh thị trường

Bà Dương Thị Lành, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) cho biết: Muốn có gạo đặc sản phải bảo đảm 2 yếu tố then chốt là giống chất lượng cao và quy trình canh tác chuẩn. Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt thông tin: Năm 2012, trên diện tích 5ha, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú được Tổ chức JICA – Nhật Bản hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án sản xuất lúa hữu cơ. Đến nay, diện tích lúa này đã lên tới 90ha với các giống đặc sản như Đài thơm, bộ giống lúa Japonica… Chuỗi lúa gạo ở Đồng Phú đã được nhiều doanh nghiệp “đỡ đầu”, đồng hành cùng phát triển.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương, từ năm 2019, công ty đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú phát triển chuỗi lúa gạo đặc sản để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết thêm: Các chuỗi sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm trên địa bàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo ra một số liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm…; đồng thời áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGap, GlobalGap, hữu cơ, qua đó nâng tầm giá trị hạt gạo Chương Mỹ.

Nông dân huyện Ứng Hòa cũng đã chuyển sang sản xuất các loại lúa gạo mang tính đặc sản. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, 80% diện tích lúa của huyện được sản xuất theo hướng đặc sản. Ngoài bộ giống lúa của Nhật Bản, các giống lúa thơm của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội như HDT10, HD11 cũng đã khẳng định được ưu thế vượt trội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm theo đuổi việc phát triển chuỗi lúa gạo đặc sản của Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn cho biết, các giống mới như HDT10, HD11, nếp cái hoa vàng… đã được các nhà khoa học dày công nghiên cứu, tuyển chọn, phục hồi từ những giống bản địa độc đáo. Doanh nghiệp cũng đã hoàn thiện đầy đủ các khâu liên kết từ gieo trồng đến thu hoạch, sấy… để hoàn thiện chuỗi lúa gạo đặc sản.

Hỗ trợ phát triển chuỗi lúa gạo

Hà Nội có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiến hơn 70%, riêng lúa thơm các loại chiếm hơn 53% sản lượng lúa của thành phố. Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; củng cố, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết: Riêng nhóm lúa gạo Japonica, đến nay, trung tâm đã xây dựng được 25 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 1.370ha, sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao…

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin: Huyện đã đề ra các giải pháp tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường chuỗi liên kết; đồng thời hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô các cơ sở sơ chế, chế biến một cách đồng bộ. Mặt khác là xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý… cho các sản phẩm lúa gạo nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn, sản xuất và liên kết tiêu thụ đóng vai trò quan trọng, tạo giá trị gia tăng cho sản xuất lúa gạo. Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản, ngành Nông nghiệp cần tập trung tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn; khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu; đồng thời hỗ trợ về mặt bằng, pháp lý về đất đai… để phát triển các cơ sở bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ sản xuất… đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cao cấp.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu để xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị sơ chế, xe vận chuyển, cũng như được đào tạo các kỹ năng cần thiết trong chuỗi lúa gạo. Với sự hỗ trợ đồng bộ từ khâu giống, sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối lưu thông… sản phẩm lúa gạo đặc sản của Hà Nội sẽ có nhiều bước tiến mới.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây