Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đang phối hợp nông dân chuẩn bị xuống đồng bằng máy cấy những ha lúa hữu cơ giống ST25 của vụ sản xuất đông xuân 2021-2022 để sản xuất gạo mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon”.
Liên kết sản xuất
Những ngày này, người dân ở Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng đang làm đất để sản xuất lúa hữu cơ vụ đông xuân 2021-2022 theo nội dung hợp tác với Sepon Group.
Giám đốc Hợp tác xã Kim Long Nguyễn Hữu Phước cho biết, Sepon Group ký hợp đồng sản xuất lúa ST25 với hợp tác xã trên diện tích 20 ha, bắt đầu sản xuất từ vụ đông xuân này. Có 90 thành viên của hợp tác xã sẽ thực hiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo quy định của doanh nghiệp đưa ra, người có diện tích ruộng tham gia sản xuất ít nhất vài sào, người nhiều nhất khoảng hơn 1 ha. Sepon Group cam kết với Hợp tác xã Kim Long cung cấp công nghệ, giống và kỹ thuật gieo mạ, người dân chịu trách nhiệm cày đất, chăm sóc theo quy trình công nghệ sản xuất của Sepon Group để hoàn thiện mục tiêu sản xuất 20 ha lúa trong vụ đông xuân 2021-2022. Sau khi lúa chín thu hoạch doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 11 nghìn đồng/kg lúa tươi. Nếu tính lúa khô thì quy trình này cố gắng đạt 4,5 tấn lúa khô/ha.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group cho biết, để thực hiện liên kết trồng lúa hữu cơ, đơn vị đã thuê chuyên gia về khảo sát và phân tích chất đất ở vùng ruộng của huyện Hải Lăng nhằm tìm ra những diện tích đạt tiêu chuẩn. Trong gần 7.000 ha ruộng của huyện thì chỉ có gần 1.500 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa hữu cơ. Mục đích của việc trồng lúa hữu cơ để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” xuất qua thị trường châu Âu và Mỹ nên các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe đến từng chi tiết.
Để làm được lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài với những thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu làm đất, trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu đòi hỏi nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ. Vì vậy, doanh nghiệp đã hợp tác Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… nghiên cứu và thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa; nhập máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; lắp ráp dây chuyền sản xuất các chế phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp như: gừng, ớt, tỏi, cá rô phi… dùng làm chế phẩm sinh học trừ sâu cho cây lúa.
Theo ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, Sepon Group đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ và VietGAP vụ đông xuân này với các Hợp tác xã Kim Long, Lương Điền và Văn Quỹ trên diện tích 50 ha. Diện tích này thuộc dự án phát triển lúa hữu cơ, VietGAP của tỉnh. Đợt đến, diện tích các hợp tác xã liên kết sản xuất còn được tăng lên vì dư địa sản xuất lúa hữu cơ và VietGAP của huyện còn rất lớn. Quan điểm của huyện luôn ủng hộ doanh nghiệp liên kết sản xuất cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, các hợp tác xã và thành viên hoạt động nhằm không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho người dân.
Xây dựng vùng lúa hữu cơ phục vụ xuất khẩu
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, dự án phát triển lúa hữu cơ, VietGAP được UBND tỉnh giao do Sepon Group làm chủ đầu tư từ 2021 có mục tiêu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa. Dự án nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng để góp phần hoàn thành và xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý tỉnh giao cho Sepon Group sản xuất lúa hữu cơ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” phục vụ phân khúc xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP triển khai tại huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Triệu Phong.
Vụ đông xuân này, ngoài diện tích ở Hải Lăng, Sepon Group còn liên kết với nhiều huyện trong tỉnh để sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP và lúa thường. Để phục vụ sản xuất, Sepon Group chuẩn bị đưa nhà máy sấy công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn đi vào hoạt động.
Ông Hồ Xuân Hiếu đề nghị chính quyền các địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ cũng như hỗ trợ người dân xây dựng khu sản xuất, chi phí giống, phân bón, bù năng suất trong 2 năm đầu. Qua hai vụ sản xuất thử nghiêm lúa hữu cơ, đơn vị đã có được kinh nghiệm làm lúa theo mô hình này. Đặc biệt, Sepon Group đã mời chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng Năm Nhã ở tỉnh An Giang ra hỗ trợ các khâu kỹ thuật chăm sóc và chế biến gạo hữu cơ.
Theo đồng chí Võ Văn Hưng, dự án sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP mà Sepon Group đang thực hiện hoàn toàn phù hợp điều kiện thực tiễn, cũng như xu thế phát triển của địa phương. Trước đây sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thì những năm gần đây, việc tích cực chuyển đổi sản xuất, cách làm mới đã giúp tỉnh tìm ra con đường phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp xu thế nông nghiệp 4.0 mà tỉnh đang hướng đến. Đó là chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình.
Làm theo cách trên người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật, có đường giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển sản phẩm đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.
Theo Nhân dân