Sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết hồ thủy điện

Bắt đầu từ 0h ngày 4-1 đến 24h ngày 6-1-2022, các hồ thủy điện sẽ tăng cường phát điện bổ sung nguồn nước cho hạ du các sông: Hồng, Đà, Đuống… phục vụ thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ lấy nước đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân 2022. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết của hồ thủy điện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang nỗ lực triển khai các giải pháp…

Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) sẵn sàng vận hành trong đợt điều tiết nước đầu tiên của các hồ thủy điện.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vụ xuân 2022, thành phố Hà Nội có kế hoạch gieo trồng 102.757ha, trong đó có 81.440ha lúa và 21.316ha rau màu các loại… Thời vụ gieo trồng cây lúa tập trung trà xuân muộn với hơn 80% diện tích. Thời gian gieo mạ tập trung từ ngày 22-1 đến 1-2-2022. Thời vụ gieo cấy lúa xuân muộn sẽ bắt đầu từ cuối tháng 1-2022 và tập trung cấy từ ngày 4-2 đến 1-3-2022, gieo sạ tập trung từ ngày 10-2 đến 20-2-2022.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, vụ xuân 2022, thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt nguồn nước. Cụ thể, từ tháng 12-2021 đến tháng 2-2022, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ phổ biến ít mưa; tổng lượng mưa thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Nguồn nước về các hồ chứa thủy điện thượng lưu lưu vực sông Hồng sẽ bị thiếu hụt từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022. Nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt khoảng 20-30%…

Với dự báo trên, nhiều công trình lấy nước các sông: Hồng, Đà, Đuống… của Hà Nội sẽ khó vận hành. Vì vậy, để bảo đảm đủ nước sản xuất nông nghiệp vụ xuân, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường phát điện các nhà máy thủy điện để bổ sung nguồn nước về hạ du các sông trong 3 đợt, tổng cộng 16 ngày. Cụ thể, đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 4-1 đến 24h ngày 6-1-2022; đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 15-1 đến 24h ngày 22-1-2022 và đợt 3 bắt đầu từ 0h ngày 13-2 đến 24h ngày 17-2-2022. Trong thời gian điều tiết nước đợt 1, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên, quận Long Biên) duy trì từ 1,7m trở lên và đợt 2 dự kiến đạt trung bình khoảng 1,9m. Trong đợt điều tiết nước thứ ba, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây (đoạn Trạm bơm Phù Sa, thị xã Sơn Tây) sẽ được duy trì từ 1,8m trở lên.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện trong 3 đợt tới đây, bảo đảm cấp đủ nước sản xuất vụ xuân 2022, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi thành phố chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương vận động nhân dân nạo vét hệ thống kênh mương; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử các trạm bơm lấy nước… Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án lắp đặt trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước sông, ao, đầm, hồ cấp nước cho các xứ đồng…

Thực hiện chỉ đạo trên, các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án lấy nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Thực tế thời điểm này, các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội đang tập trung sửa chữa, vận hành thử trạm bơm, nạo vét kênh mương… Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều địa phương chưa thu hoạch xong cây vụ đông, nhu cầu lấy nước làm đất cấy trà xuân sớm chưa cao…

Liên quan vấn đề này, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tiếp tục kiểm tra công trình thủy lợi; bố trí đủ nhân lực sẵn sàng tiếp nguồn nước hồ thủy điện ngay từ đợt 1 để tích trữ vào hệ thống sông ngòi, ao hồ phục vụ nhân dân làm đất, gieo mạ; có biện pháp chống thất thoát nguồn nước; quản lý chặt chẽ nguồn nước của các hồ thủy lợi… Trong quá trình lấy nước, các đơn vị cần lưu ý bảo đảm chống úng ngập diện tích cây vụ đông của nhân dân chưa thu hoạch xong…

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây