Tham vọng “chip” của Hàn Quốc đối diện với vấn đề môi trường

STNN – Mới đây, tờ “Nikkei Asian Review” Nhật Bản có bài viết nêu quan điểm rằng, sự thịnh vượng của ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc phải đối mặt với cái giá rất đắt về môi trường.

Hình minh họa – Nguồn: Internet

Khi ông Kim chậm bước bên con suối chảy qua nhà, ông chú ý tới đám mây hơi nước bốc lên từ mặt nước. Những con suối chảy giữa các nhà máy bán dẫn đang không ngừng mở rộng, ở nơi mà cách đây không lâu, đây là một cộng đồng nông thôn yên tĩnh, nông dân ở đây trồng cải bắp và hành lá.

Khi nước nóng từ nhà máy bán dẫn hòa vào dòng suối, nó sẽ tạo ra hơi bọt bốc lên cuồn cuộn. Quá trình sản xuất chip cần lượng nước lớn để làm mát máy móc; đồng thời, hàng loạt hóa chất cũng được sử dụng trong quá trình sản xuất chip. Đến năm 2030, dự kiến sẽ có 1 triệu tấn nước thải từ các nhà máy bán dẫn sẽ được thải ra các hệ thống nước công cộng ở thành phố Pyeongtaek.

Mối lo ngại của người dân địa phương

Theo luật pháp Hàn Quốc, doanh nghiệp phải kiểm soát hàm lượng các nguyên tố có khả năng gây hại như Đồng, Flour trong nước thải dưới mức quy định. Nhưng Kim và những người dân lo lắng khác nói rằng, do lượng nước khổng lồ chảy từ các nhà máy bán dẫn đang mở rộng, cho dù dưới giới hạn pháp lý quy định, Đồng và Flour có thể vẫn sinh ra những độc hại và phá hoại hệ sinh thái địa phương. Nước thải với độ nóng tương đối cao cũng có thể làm cho nước ở các con suối xung quanh nóng lên, khiến tảo phát triển nhanh, từ đó làm đình trệ dòng chảy.

Do nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu tăng lên, một số nhà sản xuất chất bán dẫn đang ồ ạt mở rộng các trung tâm sản xuất của họ tại đây, tìm cách duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt để giành quyền thống trị chip toàn cầu. Nước thải từ các nhà máy này chảy qua thành phố Pyeongtaek rồi đổ ra biển Hoàng Hải.

Dòng nước thải chỉ là một phần trong chuỗi thay đổi diễn ra ở Pyeongtaek. Là người phụ trách một đoàn thể dân sự địa phương, ông Kim đã tiếp cận với những người nông dân và ngư dân, họ lo lắng rằng, sản phẩm của họ sẽ bị ô nhiễm bởi nước thải. Khi danh tiếng của khu vực như một trung tâm công nghiệp ngày càng tăng, nông dân lo sợ khách hàng sau này sẽ tránh xa các sản phẩm được trồng ở đây. Vùng biển này cũng là nơi sinh sống của rái cá, sếu và diều hâu, những loài cũng phải đối mặt với các mối đe dọa hóa học.

“Dây cứu sinh kinh tế” với “dây cứu sinh tự nhiên”

Chip là “dây cứu sinh kinh tế” của Hàn Quốc. Ngoài tầm quan trọng chiến lược, chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu số một của Hàn Quốc. Năm 2021, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đạt 128 tỷ đô la Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, sự sống còn của đất nước phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn và ông so sánh tầm quan trọng của chất bán dẫn với gạo là lương thực chính của Hàn Quốc.

Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Quốc tế dự đoán rằng, năm 2022 chi tiêu toàn cầu cho các nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới (fabs) sẽ đạt mức cao kỷ lục 99 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho thiết bị. Do tầm quan trọng chiến lược và thương mại của ngành, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành và không muốn tập trung vào những nhược điểm tiềm ẩn.

Trên thực tế, sự thịnh vượng của ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đã phải trả giá đắt về môi trường. Ở Hàn Quốc, đầu tư tập trung vào khu vực miền trung, nơi hệ thống sông hồ cung cấp phần lớn nước uống cho người dân. Trung tâm công nghiệp này cũng trải dài qua xương sống của dãy núi Baekdudaegan chạy dọc theo bán đảo và là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã.

Tiếng nói bị át đi

Ngành công nghiệp có xu hướng phát triển nhanh hơn luật điều chỉnh nó và ở một đất nước phải có công nghệ tiên tiến để phát triển, tiếng nói của những người dân địa phương như Kim đang bị nhấn chìm bởi những lời kêu gọi tăng trưởng kinh tế.

May mắn thay, không phải ai trong chính quyền địa phương cũng sẵn sàng bỏ qua những nguy cơ tiềm tàng do nước thải gây ra. Vào tháng 12/2021, một Ủy viên hội đồng thành phố Pyeongtaek đã mạnh dạn kêu gọi chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra nước thải để tìm kim loại nặng và yêu cầu giữ nhiệt độ nước dưới 17 độ C. Vị này nói với truyền thông địa phương: “Thật may, hồi bé tôi được tha hồ lội chân trần trên dòng sông đó, còn bây giờ, dòng sông giống như được sơn màu xanh lá cây do tảo phát triển nhanh tới mức nghiêm trọng.”

Tác giả cuốn sách “Lịch sử hệ thống sinh thái bán đảo Triều Tiên” cho biết, so với quy định về môi trường, chính quyền địa phương có xu hướng ủng hộ các ngành tạo việc làm như sản xuất chế tạo và “viễn cảnh suy thoái kinh tế càng làm suy yếu sức hấp dẫn của môi trường”. Vào tháng 10/2022, người đứng đầu Tổ chức Sinh thái Hwaseong đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh, với các bức ảnh về cảnh quan thiên nhiên xung quanh khu vực. Ông nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải lưu giữ những ký ức này, vì những nơi này đang biến mất do công nghiệp hóa”.

Kim nói: “Những nhà sản xuất chất bán dẫn này lớn đến mức, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng miễn là họ phát triển tốt thì đất nước sẽ hoạt động tốt hơn. Nhưng không thể tiếp tục như thế này mãi được, nếu những nhà sản xuất này tiếp tục mở rộng, tất cả rừng, đất canh tác và làng cổ của chúng tôi sẽ biến mất”.

Huyền Diệu (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây