Là nước có dân số cao, với 1,4 tỉ dân trong đó khoảng 800 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng Trung Quốc lại thiếu lao động kỹ thuật trong các nhà máy một cách trầm trọng. Trong khi đó có rất nhiều người, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, lại than rằng rất khó tìm việc làm.
Nhà máy thiếu nhân công
Cho dù đã tăng mức trả lương cho người lao động lên cao, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn không tuyển dụng được người lao động trong các ngành nghề phổ thông như lái xe tải, sửa chữa máy… Bởi vậy, lực lượng lao động trong các ngành nghề này chủ yếu là những người ở độ tuổi “cứng”, sinh vào những năm 1970, 1980; số lượng lao động sinh sau năm 1990 rất ít, sau năm 2000 thì càng hiếm.
Không những vậy, tình trạng nhân công bỏ việc sau vài tháng cũng khiến cho các nhà máy, xí nghiệp đau đầu. Rõ ràng, các nhà máy, xí nghiệp đã không còn sức hấp dẫn với những người người lao động trẻ.
Nguyên nhân chủ yếu ở đâu?
Thứ nhất, giới trẻ Trung Quốc hiện nay thích công việc văn phòng “phóng khoáng” hơn. Họ cảm thấy sự đãi ngộ trong các nhà máy chưa cao, công việc vất vả, địa vị xã hội cũng không cao, mỗi ngày cuộc sống lặp lại đơn điệu.
Các quy định, quy tắc trong nhà máy khiến họ không thấy tự do. Họ cảm thấy phí hoài tuổi thanh xuân tươi đẹp. Cho nên, dù không tìm được công việc văn phòng, họ sẽ ra ngoài buôn bán nhỏ hay “ship” hàng, vừa tự do lại vừa có thu nhập tốt hơn.
Thứ hai, các nhà máy ở Trung Quốc khi đưa ra thông tin tuyển dụng đã cố ý đưa mức đãi ngộ lên cao để thu hút được nhân công, nhưng khi họ vào làm thì sự thật lại không như quảng cáo. Nếu chỉ làm đủ 8 tiếng, thu nhập của người lao động sẽ rất thấp, muốn có lương như quảng cáo thì phải tăng ca rất vất vả. Người lao động sẽ so sánh giữa thu nhập với sức khỏe và thời gian làm việc nên chỉ được vài ngày là họ bỏ việc. Cứ như vậy, các doanh nghiệp tuyển người liên tục nhưng không có người ứng tuyển.
Các doanh nghiệp nói gì?
Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng không phải họ không tìm được lao động mà là không tìm được công nhân kỹ thuật ưng ý. Vậy tại sao không chọn công nhân đang làm việc tại chỗ để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề? Điều này đã được tính đến. Nếu đào tạo bồi dưỡng lao động ở độ tuổi trên 50 thì thời gian cống hiến không còn nhiều, người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Còn những công nhân trẻ thì sao? Họ thường không gắn bó lâu dài. Nếu đầu tư bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho họ, có thể chưa được hưởng thành quả thì họ đã “nhảy việc” sang các công ty khác. Cho nên, các doanh nghiệp đều muốn trực tiếp tuyển dụng lao động kỹ thuật sẵn có trên thị trường lao động.
Bài học kinh nghiệm
Nguồn nhân lực là một trong những tài sản quan trọng hàng đầu của mỗi doanh nghiệp, là nhân tố cốt lõi và có giá trị lâu dài. Chất lượng của nguồn nhân lực càng cao, càng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tạo điều kiện để có thể tham gia các khóa đào tạo, các khóa học nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất. Cần xây dựng được văn hóa tin cậy và hợp tác, tối đa hóa tiềm năng của lực lượng lao động, tinh thần và mức độ gắn kết của nhân viên. Môi trường làm việc hiện đại, đảm bảo việc chăm sóc đời sống và tinh thần cho nhân viên, doanh nghiệp mới giữ chân được người lao động, khiến họ gắn bó dài lâu.
Đức Cường