Thương nhân Trung Quốc làm nông nghiệp ở Nga

STNN – Trước mắt, xung đột Nga và Ukraina không gây ảnh hưởng lớn lắm tới các doanh nghiệp Trung Quốc đang sản xuất nông nghiệp tại Nga mà ảnh hưởng lớn nhất là từ dịch bệnh Covid-19.

Hình minh họa – Nguồn: flashsiberia.com

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đa số các cửa khẩu tại Hắc Long Giang đều đóng cửa, nơi nào cho thông quan thì chỉ cho hàng hóa qua lại. Tuy nhiên, lượng xe hàng hóa qua hai nước cũng rất hạn chế, do đó chi phí vận chuyển cũng tăng lên nhiều, mà chi phí này cũng chiếm khoảng 20% lợi nhuận.

Thương nhân từ Trung Quốc muốn qua Nga cũng không dễ dàng, không ít người phải bay sang Iran rồi sang Nga. Như vậy không những mất thời gian cho việc di chuyển, mà chi phí cũng cao, mỗi người phải chi 60.000 nhân dân tệ (với tỉ giá hiện nay, 1 tệ đổi được 3.500 VND).

“Tập đoàn chúng tôi phải giảm mạnh diện tích trồng trọt, hai năm nay tổn thất mấy chục triệu tệ” – ông Kỉ Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Vũ, doanh nghiệp tư nhân ở Đông Ninh, Hắc Long Giang, Trung Quốc, với nhiều năm kinh doanh tại vùng viễn đông Nga nói.

Được biết, người Trung Quốc đang làm nông nghiệp tại Nga chủ yếu có doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, ngoài ra còn có các cá nhân hợp tác cùng thuê đất. Chỉ riêng tại thành phố Đông Ninh của tỉnh Hắc Long Giang đã có hơn 400 doanh nghiệp đang sản xuất nông nghiệp tại Nga, với diện tích từ vài nghìn cho tới 20.000 – 30.000ha, lương thực được trồng chủ yếu xuất về Trung Quốc. Các loại hình nhỏ đa phần là nông hộ cá thể, với diện tích mấy trăm ha, trồng rau là chính, để bán cho thị trường của Nga.

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Vũ còn nói, ưu và nhược điểm của sự phát triển nông nghiệp ở Nga rất rõ ràng. Về ưu thế: Tiền thuê đất rẻ, giá thuê tùy theo chất đất và vị trí, sẽ dao động từ 300 tới hơn 600 tệ/ha, rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Thứ hai, đất canh tác ở Nga phì nhiêu, diện tích liền thổ lớn, địa hình bằng phẳng, rất phù hợp để canh tác bằng máy móc ở quy mô lớn, dễ nâng cao hiệu suất, giảm chi phí đầu vào. Thứ ba, khí hậu đa phần giống với vùng đông bắc của Trung Quốc. Thứ tư, Nga chú trọng bảo vệ môi trường, yêu cầu về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt, do vậy chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao.

Ngoài những điểm thuận lợi trên vẫn có những hạn chế nhất định, như: cơ sở vật chất của Nga lạc hậu, chính sách chưa đủ linh hoạt, lương của người lao động cao, lương thực xuất về Trung Quốc bị hạn chế… Hơn nữa, về cơ bản làm nông nghiệp là phải “nhìn trời mà ăn cơm”, tính mạo hiểm cũng tương đối cao.

Hoa Vũ hiện đang thuê ở Nga gần 9.000ha đất, trong đó 80% diện tích trồng đậu tương, 20% trồng ngô, lúa mì… Tuy sản lượng thấp hơn tại Trung Quốc, nhưng do diện tích lớn, nên làm nông tại Nga cũng vẫn có lợi nhuận.

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây