STNN - Chủ trương này tiếp tục được Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên quán triệt tại Hội nghị tập huấn Sổ tay hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, diễn ra tại Lào Cai ngày 06/4.
- Ông Lê Đức Luận được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
- Tôn vinh 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành Y giai đoạn 2019 – 2022
Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019. Theo đó, hơn 137.000 tỷ đồng ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt đầu tư giải quyết những vấn đề cấp thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển vùng dược liệu trong nước, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để từ đó, hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Theo điều tra về nguồn gen dược liệu Việt Nam, hiện nay có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Tổng giá trị thị trường của dược liệu nước ta sử dụng hàng năm ước tính hơn 400 triệu USD/năm. Dân tộc ta sở hữu một kho tàng tri thức quý báu về y học cổ truyền, có rất nhiều bài thuốc được lưu truyền và gìn giữ qua các thế hệ.
Thứ trưởng Tuyên khẳng định: Có thể thấy, nước ta có rất nhiều tiềm, năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp mang lại năng suất cao, không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngọc Kha