Với chủ đề “Bảo trợ xã hội trước những thách thức từ số hóa và bất ổn kinh tế”, trong hai ngày (25 và 26/11), Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38 diễn ra theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu của các tổ chức thành viên ASSA.
Phát biểu chào mừng, Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý An sinh xã hội về xã hội Indonesia (BPJS Ketenagakerjaan) Agus Susanto, bày tỏ niềm vui trở thành địa điểm chủ trì tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 38. Mặc dù, vì tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng Hội nghị vẫn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của các tổ chức thành viên ASSA, là dịp quý báu để chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong thực hiện mạng lưới an sinh xã hội ở mỗi quốc gia.
Theo ông Agus Susanto, hai năm qua, dịch Covid-19 đã gây nhiều đứt gãy toàn cầu và khu vực về kinh tế, xã hội, y tế, sức khoẻ buộc tất cả các quốc gia phải thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách. Trong bối cảnh đó, các chính sách an sinh xã hội (ASXH) đã đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống, thu nhập của người dân. Bên cạnh những khó khăn thách thức, dịch bệnh cũng là cơ hội để các tổ chức ASXH hoàn thiện, phát triển, nâng cao khả năng quản lý, điều hành, xây dựng các dịch vụ ngày càng tốt, phù hợp hơn.
Vì vậy, qua hội nghị lần này, các thành viên ASSA có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh trong ở khu vực, đặc biệt là học hỏi các kinh nghiệm, tìm giải pháp phối hợp, thảo luận để thúc đẩy hơn nữa nền an sinh xã hội tại mỗi quốc gia.
Phát biểu khai mạc, ông Heng Sophannarith - Quyền Tổng Giám đốc Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Campuchia (NSSF) - Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020 - 2021 cho biết, đây là lần thứ 2 hội nghị của Ban Chấp hành ASSA được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị là sự kiện quan trọng, cần thiết để các tổ chức thành viên duy trì mối hợp tác chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ về những vấn đề an sinh gặp phải trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tăng cường các cơ hội hợp tác trước những thách thức chưa từng có như hiện nay. Ông cũng hi vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát để các quốc gia phục hồi tốt hơn và các thành viên ASSA có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp.
Ông đánh giá, hiện dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Ảnh hưởng này sẽ còn kéo dài ngay cả khi các quốc gia đã trở lại trạng thái bình thường mới. Điều đó đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội ở mỗi quốc gia cần phát huy vai trò hơn nữa. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số cũng đòi hỏi các chính sách an sinh xã hội cần thay đổi, thích ứng để nâng cao tính hiệu quả, tiếp cận, hỗ trợ người tham gia, thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Do đó, qua Hội nghị, ông mong muốn các tổ chức thành viên sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về thực hiện ASXH trong đại dịch và công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với mỗi quốc gia.
Tìm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch
Tại các phiên hội thảo diễn ra ngày 25/11 với chủ đề “Covid -19 và bất ổn kinh tế: Tác động và các phản hồi về chính sách” và “Giải pháp kỹ thuật số cho bảo trợ xã hội”, trưởng Chương trình quốc gia về phát triển con người (Ngân hàng Thế giới tại Indonesia) và Thứ trưởng về nhân khẩu và nhân lực (Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia) đã trình bày các báo cáo của mình xoay quanh các chủ đề “Covid-19 và sự trỗi dậy của bảo trợ thích ứng” và “Tác động của Covid-19 đối với việc làm và chiến lược xây dựng phục hồi kinh tế của Indonesia.” Ngoài ra, đại diện Hiệp hội ASXH Quốc tế (ISSA) đã trình bày “Mô hình công nghệ thông tin - truyền thông mới thúc đẩy chuyển đổi số”.
Nhân dịp này, các sáng tạo trong cung cấp bảo trợ xã hội tại Singapore, tại Malaysia và tại Indonesia cũng được trình bày tại phiên thảo luận.
Tham dự tại điểm cầu chủ trì Hội nghị ở Indonesia có: ông Agus Susanto, Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý An sinh xã hội về xã hội Indonesia; Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia. Điểm cầu Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020 - 2021 tại Campuchia có: ông Heng Sophannarith - Quyền Tổng Giám đốc Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Campuchia (NSSF). Hội nghị cũng có sự tham dự tại các điểm cầu của Hiệp hội An sinh xã hội Quốc tế (ISSA), Ngân hàng Thế giới (WB).
Điểm cầu Thủ đô Hà Nội, Việt Nam có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, lãnh đạo BHXH các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Đại diện BHXH các tỉnh, thành phố và cán bộ đầu mối thông tin đối ngoại cũng tham dự Hội nghị qua điểm cầu tại các địa phương.
Tham dự Hội nghị, Việt Nam tiếp tục thể hiện được vị trí, vai trò, đóng góp và dấu ấn của BHXH Việt Nam và Việt Nam trong quá trình hội nhập và tham gia ASEAN, nhất là trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng theo tinh thần của Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN.
Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) được thành lập năm 1998, nhằm giúp các tổ chức thành viên trao đổi quan điểm và kinh nghiệm thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là đem lại cho các tổ chức thành viên nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển. Hiện, ASSA có 21 thành viên là các tổ chức ASXH của 10 quốc gia Đông Nam Á.
Từ khi thành lập, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ASXH trong khu vực phù hợp với nguyện vọng, luật pháp và quy định của các nước thành viên, ASSA hướng tới sự hợp tác trong mọi hoạt động cũng như cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thông tin về ASXH giữa các tổ chức thành viên cũng như với các tổ chức ASXH khác trên thế giới thông qua đào tạo, hội thảo, tư vấn, đối thoại và các hoạt động khác. Theo đó, trải qua 38 kỳ đại hội, ASSA đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đặt ra. |
Cẩm Sa