Các nhà khoa học người Mỹ nghiên cứu về các loại siêu san hô đang phục hồi những rạn san hô bị hủy hoại bằng biện pháp… trồng rừng dưới đáy biển.
Các rạn san hô có dạng hình nhánh cây và do phần lớn san hô đều có thể nảy mầm sinh trưởng nên nhiều người nhầm tưởng rằng san hô là thực vật. Nhưng thực tế san hô là một loài động vật bậc thấp thuộc ngành ruột khoang và có hai lá phổi. San hô là các sinh vật biển thuộc lớp San hô (Anthozoa), chúng tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ. Các cá thể san hô giống hệt nhau thường tụ tập sống thành các quần thể.
80% nhu cầu dinh dưỡng của san hô đến từ hoạt động quang hợp của loài tảo đơn bào cộng sinh với nó. Chính hoạt động này cung cấp oxy cho môi trường. San hô cũng săn mồi bằng cách dùng xúc tu quanh miệng.
Nơi sinh trưởng của san hô thường là các vùng biển nông, nước ấm, có dòng chảy nhanh, nhiệt độ cao và trong sạch.
Theo thống kê của các nhà khoa học, có khoảng 1.200 đến 1.300 loài san hô trên toàn thế giới, trong đó một nửa nằm trong các rạn san hô.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, rạn san hô vùng Caribe đã mất đi khoảng 80-90% độ che phủ. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã mất khoảng một nửa san hô trong 30 năm qua.
Trong đợt tẩy trắng năm 2015-2016, gần một nửa số san hô còn lại dọc theo rạn san hô Great Barrier (Úc) đã bị tẩy trắng và chết.
Là không gian sống của nhiều loài khác, sự suy giảm san hô sẽ kéo theo sự biến mất của các loài sống ở rạn đá ngầm. Tuy nhiên, chúng ta lại biết rất ít về tầm quan trọng của sự đa dạng các loài san hô đối với chính bản thân chúng.
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Cody Clements và GS. Mark Hay ở Viện Công nghệ Georgia phát hiện ra rằng việc tăng cường sự phong phú của san hô bằng cách trồng nhiều loài san hô cùng nhau sẽ góp phần cải thiện sự phát triển và khả năng sống sót của san hô. Phát hiện này đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô.
Clements và Hay đã đến Mo›orea, thuộc quần đảo Polynesia của Pháp, nằm ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương để trồng những khu vườn san hô gồm nhiều loài khác nhau và đánh giá tầm quan trọng của hoạt động tương hỗ và cạnh tranh khi chúng sinh trưởng và tương tác theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu đã trồng nhiều loài san hô trên các ô bàn cờ dưới nước để tìm hiểu xem sự phong phú và mật độ các loài có ảnh hưởng đến năng suất và sự tồn tại của san hô hay không. Hay cho biết, trước đây nhiều thí nghiệm tương tự đã đưa san hô vào phòng thí nghiệm để các loài cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, lần này họ thực hiện tất cả các thử nghiệm của mình trong thực tế.
Một thử nghiệm do Clements đề xuất dùng các chai Coca-Cola đã giúp các nhà khoa học sắp xếp khu vườn này. “Chúng tôi gắn nắp chai ở phía mặt bệ trồng, san hô được trồng vào các cổ chai lộn ngược đã cắt rời, sau đó vặn vào hoặc bỏ ra khỏi chỗ trồng. Nhờ đó, chúng tôi có thể sắp xếp các loài theo ý muốn và sau vài tháng có thể vặn nắp lấy chúng ra để cân đo và biết chính xác tốc độ sinh trưởng của san hô”.
Clements cho biết cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn cơ chế này. Tại sao san hô sinh trưởng tốt hơn trong quần thể hỗn hợp đa loài so với đơn loài? Tại sao hiệu ứng này lại giảm đi khi sự đa dạng của san hô ở mức cao nhất?
“Chúng ta cần tìm hiểu thêm về cơ chế này để dự đoán mất mát đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến san hô như thế nào, cũng như khai thác ảnh hưởng tích cực của đa dạng sinh học để bảo vệ san hô”, Clements nói.
Theo Linh Chi/Kinh tế Môi trường