Vẫn còn hơn 1.800 xe hàng hoá tồn ở cửa khẩu Lạng Sơn

Sau Tết Nguyên đán, lượng xe hàng hóa từ nội địa lên cửa khẩu Lạng Sơn xuất khẩu tăng nhanh, trong khi năng lực thông quan vẫn hạn chế dẫn đến hiện tượng ùn ứ.

nông sản
Còn hơn 1.800 xe hàng hoá ùn tại các cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Lạng Sơn, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gồm: Quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma đã thực hiện thông quan hàng hóa trở lại. Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh đã thông quan hàng hóa xuất khẩu từ ngày 3/2/2022.

Tuy nhiên, thời điểm này, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu, vì vậy, thời gian thực hiện thông quan 1 xe hàng kéo dài (40 – 50 phút/xe), do đó, năng lực thông quan thấp, chỉ đạt khoảng 100 – 130 xe/ngày. Trong khi lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình từ 160 – 180 xe/ngày. Tính đến ngày 14/2, tổng lượng xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tồn tại 3 cửa khẩu đường bộ (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 1.869 xe.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ: Với lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu và năng lực thông quan như hiện nay, dự báo tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa tại cửa khẩu sẽ tiếp tục xảy ra. Do vậy, trước mắt, tỉnh Lạng Sơn cần có biện pháp khuyến cáo đến các doanh nghiệp về việc đưa hàng lên cửa khẩu của tỉnh. Cùng đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.

Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục hội đàm với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các cửa khẩu của các địa phương khác.

nông sản
Nhiều tài xế chờ đợi từ những ngày đầu Tết Nguyên đán đến nay vẫn chưa được thông quan.

Trong khi đó, theo ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, thời điể`m dịch, để xuất được một xe nông sản sang Trung Quốc rất khó khăn.

Cụ thể, từ khi dịch bệnh bùng phát, do phía Trung Quốc theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, siết chặt quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch bệnh nên việc xuất khẩu nông sản sang nước bạn tăng cả về thời gian và các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tư thương.

Để đảm bảo chống dịch ở khu vực cửa khẩu, phía Trung Quốc đã đề nghị phải có những khu vực cách ly tập trung để cho đội ngũ lái xe đường dài nghỉ ngơi, rồi sau đó khi lái xe đường dài chở hàng nông sản lên cửa khẩu, bàn giao cho lực lượng lái xe chuyên trách sẽ chở qua biên giới và bàn giao tiếp cho lái xe chuyên trách Trung Quốc. Tiếp đó, lái xe chuyên trách Trung Quốc lại tiếp tục chở hàng đi giao ở các kho bãi rồi mới đưa xe quay trở lại giao cho lái xe chuyên trách Việt Nam đưa về. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thời gian thông quan.

nông sản
Tài xế lên khu vực cửa khẩu phải đảm bảo nghiêm quy định chống dịch bởi chỉ cần 1 ca nhiễm ở khu vực cửa khẩu, Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan, ảnh hưởng lên đến hoạt động xuất, nhập khẩu

Thứ hai, liên quan đến các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện việc bàn giao xe và lái xe trung chuyển. Ở phía Trung Quốc, giá các dịch vụ khử khuẩn, xét nghiệm tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó là vấn đề điều kiện bốc xếp bến bãi bên phía Trung Quốc, hiện nay, các lực lượng lao động không nhiều. Trước đây trên 90% người Việt Nam sang bốc xếp hàng hóa. Nhưng hiện nay do dịch bệnh nên người Việt Nam không sang làm việc được. Trong khi đó, khối lượng và thời gian mà đối tượng lao động bốc xếp bên Trung Quốc thực hiện không bằng người Việt Nam.

“Cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng ở cửa khẩu luôn đảm bảo ứng trực quân số 100%, 24/24, cả ngày nghỉ, lễ Tết, nếu phía Trung Quốc mở cửa bất cứ lúc nào thì sẽ thực hiện thông quan hàng hóa ngay thời điểm đó”, ông Tường nói.

nông sản
Nhiều tài xế nóng lòng, ăn ở tạm bợ để đưa được xe chở nông sản, hoa quả xuất khẩu sang phía Trung Quốc.

Do phía Trung Quốc càng ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì vậy, cơ quan Hải quan khuyến cáo các doanh nghiệp, tư thương cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, việc ký kết các hợp đồng với các tư thương Trung Quốc cần trên cơ sở quy định của thông lệ quốc tế (hàng xuất khẩu chính ngạch). Bởi khi có ký kết thì hai bên đều chịu trách nhiệm về vấn đề các lô hàng, thỏa thuận thanh toán. Như vậy, việc thông quan sẽ đảm bảo chắc chắn hơn.

Tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu phía Bắc bắt đầu từ đầu tháng 12/2021 do phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch, chỉ nhập hàng nhỏ giọt khiến hàng nghìn xe container ùn ứ. Đến giữa tháng 1/2022, lo ngại trái cây bị hỏng do phải nằm chờ nhiều ngày, nhiều chủ hàng đã cho xe quay đầu vào nội địa bán rẻ cho người dân. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này.

 

Theo Sức khỏe và Đời sống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây