Quất chẳng những là cây cảnh mùa xuân mà còn là vị thuốc chữa ho, cầm nôn, trị đau chướng bụng...
1. Truyền thuyết về cây quất
Truyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm vào giữa thời tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy.
Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp tết Nguyên Đán.
Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh.
Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh. Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại Kinh thành Thăng Long.
2. Thành phần và tác dụng
Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.
Về thành phần hóa học, dịch quả quất chứa pectin 10%, vitamin C 0,13 – 0,24mg %, Fe 5,1 mg% , Cu 0,8mg%, đường, acid hữu cơ và chất fortunelin. Vỏ quả quất chứa tinh dầu gồm 25 thành phần. Trong đó có a-pinen 0,4%, bpinen 2,7%, sabinen 2,8%, limonen 8,4%, bocimen 0,3%, linalol 1,55.
Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Có công năng hóa đờm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn. Lá quất chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng giải cảm, trị cảm mạo phong hàn.
3. Những bài thuốc chữa bệnh từ cây quất
3.1 Chữa cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.
3.2 Trị nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đốt nung mỗi thứ 9g, sắc uống.
3.3 Chữa nghẹn: Vỏ quất 20g, sấy khô, tán thành bột, sắc uống nóng.
3.4 Sa nang sưng đau: Rễ quất 16g, sắc uống.
3.5 Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.
3.6 Đau chướng bụng: Quất tươi ăn liền 10 quả lúc đói.
3.7 Ho gà: Quất 10 gam, gừng tươi 6 g, sắc uống, mỗi ngày 1 lần.
3.8 Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.
3.9 An thần giảm ho: Quất hai quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.
3.10 Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g. hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.
3.11 Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương nát thê 20g đường phèn hấp cơm, uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 ml.
3.12 Chữa nôn ra máu: Hạt quất 20g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống 2 lần 1 ngày. Cần chú ý tránh nhầm lẫn giữa hạt quất và hạt quýt (y học cổ truyền gọi là quất hạch).
Theo Sức khỏe và Đời sống