26 chủ rừng ở Nghệ An được nhận chi trả hơn 115 tỷ đồng từ ERPA

STNN - Theo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An, hiện đã có 26 chủ rừng là các cộng đồng, tập thể được nhận hơn 115 tỷ đồng trong lộ trình thực hiện chi trả nguồn hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) cho Việt Nam.

Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An, đã có 332 cộng đồng dân cư là chủ rừng và 457 cộng đồng dân cư có thỏa thuận tham gia quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức được hưởng lợi từ nguồn ERPA.

Điển hình như các cộng đồng là chủ rừng thuộc phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Pù Mát. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ERPA năm 2024 là hơn 24 tỷ đồng, tổng số tiền đã được chi trả là 13 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục tiến hành chi trả trong những năm tiếp theo.

1-1740703749.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng rừng ở Kỳ Sơn - Ảnh tư liệu.

Cụ thể, trong tháng 1/2025, ERPA đã chi trả cho 26 chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An với số tiền 115,8 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 5 huyện thuộc phạm vi quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên.

“Tính đến tháng 2/2025, tổng kinh phí đã được hỗ trợ từ nguồn ERPA năm 2024 cho các cộng đồng là chủ rừng này là hơn 11 tỷ đồng,” ông Sơn cho biết thêm.

Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu ha, trong đó có gần 961,8 ha rừng. Rừng tự nhiên chiếm hơn 790.000 ha, và trên 171.000 ha là rừng trồng. Nghệ An là một trong 6 tỉnh được thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

2-1740703756.jpg
Chính sách ERPA không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho các chủ rừng mà còn thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Nghệ An đã tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ERPA để thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho các chủ rừng.

Các hoạt động này hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư cải thiện sinh kế. Nhờ vào sự gắn kết giữa bảo vệ và phát triển rừng, người dân có thể ổn định thu nhập và nâng cao đời sống; được khuyến khích gắn bó hơn với nghề rừng, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp tại địa phương.

Lê Khánh