
Sáu cây cổ thụ ở VQG Phú Quốc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, gồm:
Hai cây trai Nam Bộ ở xã Bãi Thơm (tên khoa học: Fagraea fragrans Roxb...), trong đó 1 cây có chu vi gốc 13,5 m, cao 25 m, tuổi đời khoảng 700 năm; cây còn lại có chu vi gốc từ 12,6 m, cao 26 m, tuổi đời khoảng 600 năm.
Hai cây kơ nia (tên khoa học: Irvingia malayana Oliv) ở xã Gành Dầu, trong đó 1 cây có chu vi gốc 15 m, cao 35 m, tuổi đời khoảng 800 năm; cây còn lại có chu vi gốc 13,6 m, cao 30 m, tuổi đời khoảng 700 năm.

Hai cây kiền kiền Phú Quốc ở xã Gành Dầu (có tên khoa học: Hopea pierrei Hance) thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), trong đó 1 cây có chu vi gốc 4,5 m, cao 24 m, tuổi đời khoảng 250 năm; 1 cây còn lại có chu vi gốc 4,5 m, cao 24 m, tuổi đời khoảng 250 năm.
Cây trai Nam Bộ và cây kiền kiền Phú Quốc là hai loài mới bổ sung trong danh lục Cây Di sản Việt Nam.

Cây trai, cây kơ nia, và cây kiền kiền Phú Quốc là những tài sản vô giá không chỉ của VQG Phú Quốc, mà còn của quốc gia. Những cây này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ sinh thái môi trường, cũng như gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần và tâm linh của người dân đảo Phú Quốc. Vì vậy, việc bảo vệ những cây này cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn nữa, nhằm bảo tồn nguồn gen, duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái, quần thể các loài sinh vật, đồng thời giữ gìn những giá trị văn hóa tâm linh linh thiêng cho cộng đồng trong khu vực.
Vườn Quốc gia Phú Quốc là di sản thiên nhiên cấp quốc gia thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, được UNESCO công nhận vào năm 2006. Vườn có tổng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ khoảng 36.000 ha. |