An Giang: Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, tỉnh An Giang đã ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 03/07/2019. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã thực sự là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới, có sức lan tỏa và được cộng đồng tích cực đón nhận; các sản phẩm tham gia Chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã...

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hiện nay, An Giang có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (11 đạt 4 sao và 38 đạt 3 sao) của 35 chủ thể kinh tế (4 Hợp tác xã, 15 doanh nghiệp, 16 cơ sở sản xuất). Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia vào tháng 6 năm 2021, tỉnh An Giang có 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao là sản phẩm Gạo thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon tiến Vua Tiên Nữ của Công ty TNHH Một thành viên lương thực Thoại Sơn, Phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên.

Năm 2020, đã có 03 đơn vị cấp huyện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3/3 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ công nhận, bao gồm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Thoại Sơn) và 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên); Có 05 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; Có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt tỷ lệ 51,26%). Trong 37 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao, có 18 sản phẩm/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 sản phẩm/2 xã nông thôn mới nâng cao. Đây sẽ là tiền đề để phát triển mạnh các sản phẩm OCOP ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới cho giai đoạn sau.

Tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sao; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời tạo sự lan tỏa để Chương trình này được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá, phân hạng cấp giấy chứng nhận sao cho các sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng khác nhau theo đề xuất của địa phương.

Chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nội lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng bền vững.

Theo Mard.gov.vn