STNN – Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngập sâu trong nước. Chính quyền, lực lượng vũ trang và bà con nhân dân khẩn trương ứng phó với mưa lũ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều ngày 28/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Vinh, các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ xảy ra ngập lụt. Hàng trăm người dân phải di dời, kê tài sản lên cao; chính quyền địa phương cũng đã lên phương án di dời dân để đảm bảo tính mạng và tài sản nhân dân.
Mưa lớn kéo dài kèm theo lưu lượng mưa lớn làm cho bờ đê đoạn qua xóm 4, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ bị vỡ. Nhận được tin báo, ngay trong đêm 28/9, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người dân cùng bộ đội gia cố đê ngay trong đêm. Đến 1h sáng ngày 29/9, việc sữa chữa đoạn đê cơ bản hoàn thành. Thông tin từ lãnh đạo xã, mưa lớn đã làm hơn 200 hộ dân trên địa bàn bị ngập. Chính quyền địa phương đến từng hộ dân bị ngập để hỗ trợ di dời đồ đạc.
Trên địa bàn TP. Vinh, do ảnh hưởng bởi mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, nhiều phương tiện không thể lưu thông. Trước đó, để tránh mưa lớn gây ngập úng, Công ty Công viên cây xanh và đơn vị quản lý đô thị TP. Vinh đã cho khơi thông dòng chảy, cắt tỉa cành cây nhằm hạn chế cây đổ, đảm bảo an toàn cho người dân và người đi đường.
Tại huyện Tân Kỳ, mưa lớn làm một số nơi trên địa bàn có hiện tượng sạt lở, riêng đoạn đường nối liền hai xã Tân Long và xã Nghĩa Hoàn đoạn đường qua Eo Lèn đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Một tảng đá to cùng khối lượng đất đá lớn kèo theo cây cối đã sạt lở xuống đường gây ách tắc và chia đôi tuyến đường.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, chính quyền địa phương đã báo cáo với BCĐ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Kỳ. Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng BCĐ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện làm Trưởng đoàn đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phân công lực lượng bảo vệ hiện trường; Tổ chức huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng khắc phục và vận chuyển đất đá nhằm đảm bảo an toàn giao thông và thông đường cho người dân đi lại.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Nghệ An, mưa lớn kéo dài khiến nước ở các lưu vực dâng cao. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh tình trạng xảy ra đuối nước thương tâm, sáng ngày 29/9, toàn tỉnh có 284 trường học cho học sinh nghỉ học vì mưa lũ chia cắt, không đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Các huyện Quỳnh Lưu và Tân Kỳ đã cho học sinh nghỉ học hoàn toàn.
Mưa lớn kéo dài trong đêm 28/9 đến sáng ngày 29/9 đã khiến nhiều xã ở huyện Thanh Chương bị ngập sâu trong nước. Các xã Thanh Đức, Thanh Hà, Thanh Xuân, Thanh Tùng… ngập sâu trong nước và bị cô lập hoàn toàn.
Ở xã Thanh Hà, nhiều xóm trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn, người dân phải dùng nốc (thuyền nhỏ - PV) làm phương tiện đi lại. Nước dâng nhanh đã cô lập các tuyến đường. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã phải túc trực trong đêm và lên phương án để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại - ông Đặng Hữu Biền, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà thông tin. Tại xã Thanh Mỹ, nhiều hộ dân nước tràn vào nhà tới 2-3m, bà con nhân dân ở đây phải di dời lên UBND xã, trạm y tế và trường học để tránh trú.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trên địa bàn, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, đã có mặt ở đập Cao Điền từ lúc 3h sáng ngày 29/9 để kiểm tra thân đập và chỉ đạo, lên phương án giúp bà con nhân dân chạy lũ.
Theo ghi nhận của PV, đến sáng ngày 29/9, thời tiết trên địa bàn Nghệ An vẫn đang diễn biến khó lường. Mưa lớn vẫn đang tiếp diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn.
Ngọc Linh