Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò, lợn nói riêng của tỉnh Bắc Kạn đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Tại Bắc Kạn, chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi sinh học theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn.
Hiện nay, Bắc Kạn có khoảng 10 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn (chủ yếu là chăn nuôi lợn), có 02 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lợn, có trên 30 hợp tác xã chăn nuôi. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư kinh phí xây dựng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi, đầu tư thiết bị ăn, uống tự động, bán tự động, chăn nuôi theo quy chuẩn quy định (hiện có 01 trang trại chăn nuôi theo tiểu chuẩn VietGAP).
Chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ chiếm 81% tổng đàn; đang từng bước dịch chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, Về cơ cấu giống lợn được nuôi tại Bắc Kạn chủ yếu là các giống lợn lai, lợn ngoại chiếm khoảng 80% so với tổng đàn, hằng năm phải nhập từ 30-40% giống lợn thịt từ tỉnh ngoài vào phục vụ nhu cầu của các hộ chăn nuôi; giống lợn địa phương chiếm khoảng gần 20% so với tổng đàn.
Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn có quy trình chăn nuôi khép kín gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, có kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, môi trường và bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.
Những năm gần đây, chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi gia trại, trang trại, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, các hộ chăn nuôi thực hiện theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà an toàn sinh học, thông qua đó giúp chăn nuôi an toàn sinh học giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch, an toàn. Mô hình đang được duy trì và đã nhân rộng ra được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phải kể đến loại hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC đang được nhân rộng như trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá, nuôi bò hoặc dê, lợn, gia cầm có xử lý chất thải theo hình thức ủ vi sinh, lấy phân trồng cây, nuôi cá theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Trong những năm gần đây, phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng tới phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường, chăn nuôi bền vững.
Theo Mard.gov.vn