STNN - Quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí giữ vai trò then chốt trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là phương tiện giúp thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp tiếp cận đến người tiêu dùng.
- Báo chí Việt Nam: Tiên phong, đổi mới, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân
- Khan hiếm hạt cacao có ảnh hưởng gì tới nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng sôcôla
Ngày 06/06/2024, tại Hội trường Khách sạn Victory (14 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn: “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024). Theo đó, đây là năm thứ 2 mà Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn tại 3 miền và là sự kiện thường niên nhằm tham góp, đề xuất thêm nhiều giải pháp để mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Diễn đàn năm nay, Ban tổ chức đã tập trung trao đổi, thảo luận tổng quan những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; phân tích vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp đến, phân tích thực trạng hoạt động truyền thông của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế xã hội trong môi trường truyền thông số; làm rõ những vấn đề đặt ra và nguyên nhân của việc chưa đồng thuận giữa doanh nghiệp và báo chí; những thông tin chưa chính xác, vấn đề “chính thống hóa” tin đồn trên báo chí ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, cải chính thông tin và định hướng dư luận nhằm góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Cuối cùng là cùng trao đổi, thảo luận khẳng định về vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại; Đề xuất những kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
“Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…”- Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Th.S Nguyễn Minh Quân - Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân C&D nhận định, báo chí là kênh truyền thông tốt nhất để nâng cấp thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín hay không, có chất lượng hay không đều được khách hàng đánh giá qua những bài báo chất lượng chính quy.
Bên cạnh đó, Th.S Nguyễn Minh Quân chia sẻ: “Một bài báo có thể giúp doanh nghiệp đạt được thành công, lan tỏa tinh thần kinh doanh trong xã hội, nhưng cũng có thể gây tổn hại đến uy tín của một thương hiệu hay doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí giữ vai trò then chốt trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là phương tiện giúp thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp tiếp cận đến người tiêu dùng. Mối quan hệ này là một vòng tuần hoàn, trong đó báo chí và doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ mà còn bổ trợ lẫn nhau”.
“Sau tất cả, kênh thông tin uy tín và đáng tin cậy nhất vẫn là các kênh báo chí quốc gia. Doanh nghiệp được quảng bá trên các trang Báo chính quy vẫn có được sự an tâm của khách hàng kỹ tính. Vì vậy, để phát triển, doanh nghiệp kết hợp với báo chí là hướng đi bền vững, cả hai bên có thể tận dụng nhiều điểm mạnh để đạt được lợi ích chung. Nhờ những tin chức chính xác mà báo chí nhận được và đăng tải, sẽ giúp những vướng mắc cũng như khó khăn của doanh nghiệp đến được với công chúng cũng như cơ quan quản lý, từ đó giúp Nhà nước có thể nắm bắt tình hình tồn đọng trên thị trường. Quan hệ tốt với báo chí giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp chính xác và nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng” - Th.S Nguyễn Minh Quân nhấn mạnh.
Tương tự, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội cũng cho rằng, báo chí có thể giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Có thể cung cấp thông tin hữu ích, đáng tin cậy về các thực hành và giải pháp bền vững mà doanh nghiệp có thể học hỏi và áp dụng. Báo chí cũng có thể tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng hơn, ý thức nhận thức đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
“Qua thực tế hiện nay, có thể khẳng định báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, mối quan hệ hợp tác, đồng hành không thể tách rời, nhưng cần xích lại gần nhau hơn nữa để đẩy sự tương hỗ lẫn nhau lên một tầm cao mới vì sự phát triển bền vững của cả hai bên” - ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã được chứng minh là điều thiết yếu trong nền kinh tế thị trường. Ở đó, sự chung tay và đồng hành luôn đem lại lợi ích cũng như thúc đẩy phát triển không chỉ cho cả hai bên mà cho xã hội nói chung. Tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do, trong đó có sự bùng nổ về nhiều hình thức thông tin qua Internet như một lẽ tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0, cũng như giai đoạn phục hồi kinh tế đầy khó khăn sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hợp tác mà mỗi bên đều phải tìm cách thích ứng.
“Doanh nghiệp cần những bài viết sâu sát, am hiểu và phản ánh thực tiễn hơn để hỗ trợ đưa thông tin đến thị trường, phản ánh nguyện vọng của mình và khuyến khích phát triển. Báo chí cần sự phối hợp cung cấp nguồn tin minh bạch, chất lượng và kịp thời để nâng cao giá trị về truyền thông, khẳng định vị trí là nơi tham chiếu trong thời đại công nghệ số tràn lan thông tin thiếu kiểm chứng” - Luật sư Lê Ngô Trung nói.
Mặt khác, theo luật sư Lê Ngô Trung, trong tương lai việc đồng hành và hợp tác, gắn kết giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải phát triển hơn nữa, bao gồm cả phương thức và biện pháp hữu hiệu để vừa ứng phó với mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin, vừa thích nghi với nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay; hướng đến sự phát triển bền vững.
Anh Đức - Thảo Ly