Bảo vệ các loài chim hoang dã tại Việt Nam: Đối mặt hiểm họa lưới sương mù

STNN - Việc bảo vệ các loài chim hoang dã tại Việt Nam trước mối đe dọa từ những công cụ săn bắt như lưới sương mù cần nhiều hơn là nỗ lực đơn lẻ từ một số tổ chức phi lợi nhuận.
bao-ve-cac-loai-chim-hoang-da-truoc-luoi-suong-mu-1746522015.jpg
Một tác phẩm của cuộc thi vẽ tranh “Chim di cư và vùng đất ngập nước” do WildAct tổ chức. Ảnh: Phạm Thanh Bình/WildAct

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim và 100 loài chim đặc hữu. Thế nhưng, nước ta cũng là một điểm nóng về săn bắt chim hoang dã với hàng triệu cá thể chim bị săn bắt, buôn bán và tiêu thụ mỗi năm, theo ước tính của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy các loài chim di cư đang bị săn bắt rất nhiều ở phía Nam khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng”, TS. Trang Nguyễn, Giám đốc WildAct, chia sẻ về kết quả khảo sát từ dự án “Bảo tồn các loài chim biển đang bị đe dọa thông qua bảo tồn dựa vào cộng đồng tại Đồng bằng sông Hồng” tại Hội thảo trực tuyến “Giải quyết lưới sương mù như một mối đe dọa với chim hoang dã trên đường bay Đông Á - Úc” tổ chức đầu năm nay. Trong số các loài chim bị săn bắt, có cả những loài được xác định là nguy cấp như cò trắng Trung Quốc, mòng biển mỏ ngắn, cỏ thìa mặt đen hay rẽ mỏ thìa. Ở cả ba tỉnh được khảo sát là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, lưới sương mù (mist net) là công cụ săn bắt được sử dụng phổ biến nhất.

Tên của loại lưới này đã gợi ý những đặc điểm của nó: Lưới sương mù thường được kết từ những sợi nylon mảnh “như sương” và treo giữa hai cột, lưới cao khoảng 1-2m và dài 6-15 m. Do chúng gần như vô hình, lưới sương mù có thể bắt được các loài chim có kích thước nhỏ và trung bình với số lượng lớn.

“Tổng chiều dài của tất cả lưới sương mù mà chúng tôi quan sát được ở một huyện của Ninh Bình lên tới gần 100 km - bằng khoảng cách từ Ninh Bình đến Hà Nội”, TS. Trang Nguyễn cho biết. Bên cạnh dựng lưới ở các khu vực săn bắt, những người thợ săn còn dùng các con chim còn sống làm mồi nhử và dùng loa phát tiếng chim kêu để thu hút các con khác. Nhiều loài vật khác ngoài chim cũng bị vướng vào lưới, “nhưng những người thợ săn thú nhận rằng họ chỉ gỡ những con chim lớn và có giá trị kinh tế cao như chim diệc để bán. Họ không quan tâm đến những loài nhỏ hơn như chim sẻ hay cú và thường bỏ mặc chúng chết và rữa trên lưới”, chị kể.

bao-ve-cac-loai-chim-hoang-da-truoc-luoi-suong-mu-2-1746522015.jpg
Một con chim sả đầu nâu bị mắc vào lưới sương mù tại Hải Phòng được ghi nhận trong dự án Trapped & Tangled. Ảnh: Luan Mai Sy

Chưa được chú trọng bảo tồn

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Trước đó, mức phạt hành chính đối với hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái pháp luật các loài chim hoang dã cũng đã được sửa đổi bổ sung vào Điều 21, 22, 23 của Nghị định số 35/2019-CĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cơ sở pháp lý đã có, song việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

TS. Trang Nguyễn nhận định một phần nguyên nhân là do các loài chim hoang dã dường như chưa phải mối quan tâm chính của các ban quản lý rừng và kiểm lâm. “Các vấn đề liên quan đến các loài biểu trưng như tê tê, hổ, voi… sẽ được xử lý ngay lập tức, nhưng họ không quan tâm nhiều đến chim hoang dã”, chị nói. “Điều duy nhất có vẻ khiến họ thực sự lo lắng là khi chúng tôi báo cáo có thợ săn sử dụng súng, vì việc sở hữu và sử dụng súng săn là bất hợp pháp ở Việt Nam. Nhưng với lưới sương mù, hầu như chỉ là chúng tôi đi gỡ lưới, rồi hôm sau người dân địa phương lại dựng lên như cũ. Rõ ràng, điều đó tạo thành một vòng lặp”. Theo một khảo sát [1] được WildAct thực hiện với những người thợ săn tại Ninh Bình và Thái Bình vào năm 2021, gần 65% người trả lời ở Thái Bình cho biết họ sẽ không gặp rắc rối về pháp luật kể cả khi bị bắt gặp săn bắt chim. Và thực tế cho đến nay, vẫn chưa có thợ săn nào bị phạt vì săn bắt chim hay sử dụng lưới sương mù, TS. Trang Nguyễn cho biết.

Không chỉ pháp luật lơi lỏng, việc săn bắt chim cũng rất dễ dàng khi có tới hơn 87% người tham gia khảo sát cho biết các công cụ săn bắt rất dễ mua. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “lưới bẫy chim” trên Google, hàng loạt các sản phẩm được quảng cáo là “tàng hình”, “chất lượng”, “bắt tất cả các loại chim” đã lập tức xuất hiện. Trên một sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam, đa số các loại lưới đều rất rẻ, không quá 100.000 VNĐ, và nhiều sản phẩm đã có cả nghìn đến vài chục nghìn lượt mua. Trong khi đó, lưới sương mù ban đầu vốn không được sử dụng để săn bắt mà cho nghiên cứu khoa học, được các nhà sinh vật học sử dụng để bắt với các loài chim và dơi hoang dã để giám sát số lượng cá thể, theo dõi dịch bệnh, tái phân bổ loài hoặc các dự án nghiên cứu khác. Vì vậy, đây thực chất là công cụ chuyên dụng, đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo và có kỹ năng để tránh làm tổn thương các loài chim hoặc dơi bị bắt.

Nhu cầu tiêu thụ thịt chim hoang dã cũng không hề nhỏ, với 87% thợ săn cho biết rất dễ tìm người tiêu thụ. Hơn một nửa người trả lời ở cả hai tỉnh đồng tình hoặc rất đồng tình với nhận định “Đa số người dân trong làng ăn thịt chim”, và đáng báo động hơn là hầu hết dân làng đều cho rằng việc săn bắt chim là bình thường. Nạn săn bắt chim hoang dã vì vậy vẫn hoành hành, dù thực tế 61% thợ săn cho rằng không dễ kiếm tiền từ săn bắt chim.

Những nỗ lực đơn lẻ

Trong nhiều năm qua, các tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã như WildAct đã thực hiện nhiều dự án, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức để giảm nhu cầu tiêu thụ các loài chim hoang dã. Các nỗ lực này không chỉ dừng lại ở các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội hay sự kiện có những người nổi tiếng tham gia, mà quan trọng hơn còn xuất phát từ chính cộng đồng và do cộng đồng triển khai. WildAct bắt đầu từ những trường học tại địa phương. Để giúp các loài chim hoang dã trở nên gần gũi hơn, các em học sinh được làm quen và trò chuyện với Sandy - linh vật rẽ mỏ thìa của WildAct. Sandy và thông tin về các loài chim khác cũng được tích hợp vào các môn học, như hành trình di cư của chim trong môn Địa lý và vẽ lại các loài chim trong giờ Mỹ thuật.

Nhận thấy rất nhiều thợ săn và người tiêu thụ thịt chim hoang dã ở các địa bàn dự án là giáo dân, WildAct cũng đã có sáng kiến phối hợp với các lãnh đạo tôn giáo và nhà thờ tại địa phương để cùng soạn thảo và phân phát các tờ rơi thông tin cho giáo dân cũng như lồng ghép nội dung về bảo vệ chim hoang dã vào các bài giảng đạo. Tổ chức này cũng làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các tỉnh để đào tạo phụ nữ trở thành những người dẫn dắt các nỗ lực và dự án bảo tồn chim hoang dã và hỗ trợ họ nhận kinh phí để triển khai các dự án.

Khuyến khích sự tham gia của người dân trong giám sát và báo cáo các trường hợp săn bắt chim hoang dã là xu hướng ngày càng phổ biến. Từ tháng 08/2021, TS. Rongrong Angkaew, Chương trình Bảo tồn Hệ sinh thái, ĐH Công nghệ King Mongkut, Thonburi (Thái Lan), đã thiết lập dự án Trapped & Tangled [2] trên iNaturalist - nền tảng trực tuyến dành cho các nhà khoa học công dân lưu lại, chia sẻ và thảo luận các quan sát về các loài vật trong tự nhiên - để thu thập quan sát về các trường hợp động vật bị bắt bởi bẫy. Bà cho biết trong số hơn 1.500 quan sát mà dự án thu thập được, 822 có liên quan đến các loài chim, trong đó có 491 quan sát ở châu Á. Những người quan sát cũng có thể cung cấp thông tin về loại bẫy và mục đích sử dụng của chúng. TS. Trang Nguyễn cho biết WildAct cũng đang phối hợp với một nhà sinh vật học để xây dựng một ứng dụng cho điện thoại thông minh tương tự như dự án trên để thu thập dữ liệu riêng tại Việt Nam.

Bên cạnh những hoạt động nâng cao nhận thức là những nỗ lực vận động chính sách và sử dụng những quy định hiện hành để hối thúc ban quản lý rừng của các tỉnh quyết liệt hơn trong việc tuần tra, gỡ lưới sương mù và xử lý các trường hợp săn bắt trái phép trên địa bàn. Nhờ đó, hơn 9.000 m lưới sương mù đã được gỡ bỏ, hơn 180 cá thể chim được giải cứu, và chính quyền tỉnh Ninh Bình đã xử lý được 14 vụ buôn bán thịt chim hoang dã trong khuôn khổ dự án của WildAct. Tuy nhiên, TS. Trang Nguyễn thừa nhận những kết quả này còn “cực kỳ khiêm tốn” so với số lượng lưới sương mù quan sát được tại các địa phương, và việc thuyết phục các ban quản lý rừng còn rất khó khăn. Việc bảo tồn các loài chim hoang dã rõ ràng không thể dựa vào một vài cánh chim đơn độc như WildAct mà cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và sự nghiêm minh của luật pháp.

Thắt chặt luật pháp - kinh nghiệm từ Trung Quốc

Chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật từ Trung Quốc, TS. Dan Liang, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Năng lượng và Môi trường, ĐH Princeton (Mỹ), cho biết những năm gần đây, Chính phủ nước này đã triển khai kế hoạch hành động sáu năm nhằm bảo vệ các điểm dừng quan trọng dọc theo đường bay và tăng cường chống lại nạn săn bắt và buôn bán chim hoang dã trong mùa di cư. Từ năm 2014 đến 2020, đã có hơn 4.000 vụ án liên quan đến săn bắt chim được đưa ra xét xử tại Trung Quốc.

Ông Qiu Jinghui, Phó Giám đốc Văn phòng Kiểm sát tố tụng vì Lợi ích công cộng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, cho biết các cơ quan công tố nước này rất quan tâm tới việc bảo vệ các loài chim di cư và ưu tiên sử dụng các biện pháp có tính phòng ngừa. Bên cạnh việc đảm bảo các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm, các cơ quan công tố còn đưa ra khuyến nghị cho các địa phương khi phát hiện rủi ro đối với hệ sinh thái của các loài chim di cư. Ví dụ, khi cơ quan công tố tỉnh Phúc Kiến nhận thấy một số kế hoạch xây dựng và chương trình du lịch theo mùa có thể làm ảnh hưởng đến tuyến đường di cư và môi trường sống của nhiều loài chim, họ đã thúc giục chính quyền địa phương điều chỉnh kế hoạch xây dựng và quảng bá du lịch tại địa phương cũng như thiết lập một vùng kiểm soát tạm thời. “Các công tố viên đã can thiệp ngay trước khi rủi ro hoặc mối nguy xảy ra. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng con người và các loài chim có thể cùng chung sống hài hòa”, ông Qiu Jinghui nói.

Kể từ khi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã, trong đó cấm sử dụng các loại lưới để săn bắt chim, chính thức có hiệu lực ngày 01/05/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng đã tăng cường kiểm soát việc mua bán lưới sương mù và các loại bẫy chim trên không gian mạng. Cơ quan công tố ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách về thông tin trên mạng để đảm bảo các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội gỡ bỏ các sản phẩm, hình ảnh và video về lưới sương mù. Trí tuệ nhân tạo (AI) được khuyến khích sử dụng trong quá trình này. Ngoài ra, khi người dùng tìm kiếm thông tin về mua bán hoặc sử dụng lưới sương mù, các nền tảng sẽ đưa ra cảnh báo rằng họ có nguy cơ vi phạm pháp luật và nên dừng lại ngay.

-----------

[1] https://a-us.storyblok.com/f/1014782/x/7827764b43/6-3-3-1-illegal-hunting-in-the-red-river-delta-bioshphere.pdf
[2] https://www.inaturalist.org/projects/tangled-trapped