Bổ sung ba địa điểm mới vào Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS)

STNN - Indonesia, Sao Tome và Principe vừa được công nhận được danh hiệu đầu tiên từ FAO cùng với hệ thống được công nhận thứ hai của Áo.
bo-sung-ba-dia-diem-vao-he-thong-nn-toan-cau-stnn-1727251122.jpg
Hệ thống nông lâm kết hợp trồng Salak ở Karangasem, Bali, Indonesia.

Hệ thống nuôi cá chép độc đáo ở Áo, Hệ thống nông lâm kết hợp trồng salak (quả mây) ở Bali, Indonesia và Hệ thống nông lâm kết hợp ca cao của Sao Tome và Principe, vừa trở thành ba địa điểm mới bổ sung vào Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS).

Các hệ thống được chính thức công nhận tại cuộc họp của Nhóm cố vấn khoa học GIAHS vào ngày 19/9, bao gồm những hệ thống đầu tiên của Indonesia, São Tomé và Príncipe và hệ thống thứ hai của Áo.

Với sự bổ sung mới nhất vào danh sách Hệ thống Di sản nông nghiệp Toàn cầu, mạng lưới GIAHS của FAO hiện đã có 89 hệ thống tại 28 quốc gia trên toàn cầu.

Hệ thống nuôi cá chép ao độc đáo của Áo

Nuôi cá chép ao ở vùng Waldviertel thuộc vùng Hạ Áo là một hệ thống nuôi trồng thủy sản độc đáo có lịch sử 900 năm. Sử dụng mật độ thả giống thấp và các hoạt động thực hành truyền thống, hệ sinh thái ao nuôi cá chép đa dạng sinh học kết nối với các khu rừng xung quanh.

Hoạt động thực hành bền vững này hỗ trợ đa dạng sinh học, bảo tồn nước và bảo tồn di sản văn hóa thông qua việc nuôi cá chép chất lượng cao và các sản phẩm cá sáng tạo. Hệ thống này hỗ trợ nền kinh tế địa phương không chỉ thông qua bán cá mà còn thúc đẩy du lịch nông nghiệp và sử dụng da cá chép một cách sáng tạo để tạo ra các phụ kiện.

Bên cạnh sản xuất thực phẩm, các ao nuôi còn cung cấp các dịch vụ sinh thái như giữ nước, kiểm soát lũ lụt và cô lập các-bon, giúp điều hòa vi khí hậu địa phương. Chúng cũng đóng vai trò là môi trường sống quan trọng cho nhiều loài chim, côn trùng và sinh vật thủy sinh, góp phần vào đa dạng sinh học của khu vực.

Việc duy trì hệ sinh thái đa dạng này cũng giúp bảo tồn sự đa dạng di truyền của cá chép và các loài khác, điều này rất quan trọng để thích nghi với những thay đổi về môi trường trong tương lai.

Hệ thống nông lâm kết hợp trồng Salak ở Karangasem, Bali, Indonesia

Hệ thống nông lâm kết hợp ở Karangasem, Bali - khu vực khô hạn nhất trên đảo - kết hợp trồng salak – quả mây với nhiều loại cây trồng khác nhau. Hệ thống này được người dân bản địa Bali phát triển bằng cách sử dụng hệ thống quản lý nước subak truyền thống.

Hệ thống này giúp tăng cường đa dạng sinh học, bảo tồn nước, cô lập các-bon và hỗ trợ an ninh lương thực, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa và duy trì sinh kế của người dân địa phương.

Mọi bộ phận của cây salak đều được tận dụng giúp tăng cường tính bền vững và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời, hệ thống này kết hợp trồng salak với nhiều loại cây trồng khác như xoài, chuối và cây dược liệu, tạo ra một cảnh quan nông nghiệp phong phú, đa dạng sinh học.

Bắt nguồn từ các triết lý truyền thống của người Bali như “Tri Hita Karana” và “Tri Mandala”, hệ thống này phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người, thiên nhiên và tâm linh đã được UNESCO công nhận là Di sản Cảnh quan văn hóa.

Hệ thống nông lâm kết hợp trồng cacao ở Sao Tome và Principe

Hệ thống nông lâm kết hợp trồng ca cao của Sao Tome và Principe nổi tiếng với loại cacao Amelonado chất lượng cao. Hệ thống kết hợp canh tác truyền thống với nhiều loại cây trồng khác nhau để tăng cường an ninh lương thực, củng cố sinh kế của các hộ gia đình, bảo tồn di sản văn hóa và duy trì đa dạng sinh học. Bất chấp lịch sử nô lệ, bất bình đẳng và xung đột, hệ thống này minh họa cho khả năng phục hồi của người dân trong cam kết xây dựng các hoạt động và phát triển bền vững.

Cacao là nguồn thu nhập xuất khẩu chính, nhưng việc kết hợp các loại cây trồng khác nhau như chuối, bánh mì và khoai môn cung cấp thêm nguồn thực phẩm và nguồn thu nhập, tăng cường khả năng phục hồi trước những biến động của thị trường và căng thẳng về môi trường.

Rừng nhiệt đới của Sao Tome và Principe là ưu tiên bảo tồn toàn cầu, là nơi có mức độ bảo tồn chim và động vật cao thứ hai trong số 75 khu rừng ở Châu Phi. Đất nước này là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, với hơn 25% đất nông nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ.

Các hợp tác xã địa phương tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, thương mại công bằng và có sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới, thúc đẩy sự hòa nhập giới và cải thiện sinh kế của nông dân.

Theo: mard.gov.vn