Thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận, hay sổ đỏ, sổ hồng) là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thông tin ghi trên sổ hồng sẽ cho chúng ta biết về: người sử dụng đất, diện tích, mục đích sử dụng đất và đất có đang thế chấp không, từ đó tránh được các rủi ro không đáng có. Trong nội dung bài viết dưới đây, luật sư Nguyễn Mai sẽ chia sẻ cùng bạn đọc các thông tin cơ bản trên Giấy chứng nhận và ý nghĩa của những thông tin ấy.
1. Thông tin về người sử dụng đất
Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi tại trang 1 của Giấy chứng nhận.
Cá nhân trong nước:
Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định thông tin người được cấp Giấy chứng nhận là cá nhân trong nước như sau:
“Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”;
Hộ gia đình sử dụng đất:
Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thông tin khi cấp Giấy chứng nhận cho Hộ gia đình sử dụng đất như sau:Ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Nếu chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó. Nhà đất là tài sản chung của vợ chồng:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.
Tổ chức trong nước:
Khi cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức; tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân (là giấy tờ về việc thành lập, công nhận tổ chức hoặc Giấy chứng nhận hoặc giấy phép, về đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật); địa chỉ trụ sở chính của tổ chức (theo điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
2. Diện tích mảnh đất:
Khoản 4 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định diện tích của thửa đất được ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị là mét vuông (m2) và được làm tròn số đến một chữ số thập phân (ví dụ 60,1m2, 100,5m2).
Căn cứ vào Giấy chứng nhận người mua sẽ biết được cụ thể diện tích thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
Diện tích thửa đất rất quan trọng vì đó là căn cứ để tính số tiền chuyển nhượng; trong nhiều trường hợp các bên thỏa thuận số tiền chuyển nhượng tính theo diện tích trong Giấy chứng nhận nên diện tích quyết định tới số tiền phải trả.
Đồng thời khi người mua biết được diện tích trong Giấy chứng nhận sẽ đối chiếu được với diện tích trên thực tế.
3. Thời hạn sử dụng của mảnh đất
Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai loại, gồm: đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.
Trong một số trường hợp thời hạn sử dụng đất khác nhau sẽ dẫn tới quyền, nghĩa vụ khác nhau như phải làm thủ tục gia hạn hoặc có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhưng không được Nhà nước gia hạn thì sẽ bị thu hồi,… đồng thời, thời hạn sử dụng đất cũng phản ánh loại đất, mục đích sử dụng đất.
Khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về thời hạn sử dụng đất trong Giấy chứng nhận như sau:
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất; nếu cấp Giấy chứng nhận theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định pháp luật về đất đai.
Mặc dù có quy định như vậy nhưng trong Giấy chứng nhận thể hiện rõ thông tin thời hạn sử dụng đất như sau:
- Nếu đất sử dụng có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
- Nếu thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”.
Hầu hết người dân khi nhận chuyển nhượng đều muốn nhận chuyển nhượng đất có thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận là “Lâu dài” vì thông thường đó là đất ở.
Lưu ý: Thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần diện tích thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
4. Mục đích sử dụng của mảnh đất
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BNTMT, mục đích sử dụng đất được ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:
- Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại:
+ “Đất chuyên trồng lúa nước”.
+ “Đất trồng lúa nước còn lại”.
+ “Đất trồng lúa nương”.
+ “Đất trồng cây hàng năm khác”.
+ “Đất trồng cây lâu năm”.
+ “Đất rừng sản xuất”.
+ “Đất rừng phòng hộ”.
+ “Đất rừng đặc dụng”.
+ “Đất nuôi trồng thủy sản”.
+ “Đất làm muối”.
+ “Đất nông nghiệp khác”.
- Nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại:
+ “Đất ở tại nông thôn”.
+ “Đất ở tại đô thị”.
+ “Đất thương mại, dịch vụ”.
Chú ý: Mục đích sử dụng đất được ghi trong Giấy chứng nhận thế nào?
- Thửa đất có nhiều mục đích sử dụng thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó; nếu có nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”.
- Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.
5. Hình thức sử dụng của mảnh đất
Hình thức sử dụng đất là thông tin rất quan trọng khi nhận chuyển nhượng; thông thường hình thức sử dụng đất đối với thửa đất của hộ gia đình, cá nhân là sử dụng riêng (riêng của hộ gia đình, cá nhân đó), nhưng trong một số trường hợp có một phần diện tích là sử dụng chung.
Khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về hình thức sử dụng đất như sau:
- Toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của 01 người sử dụng đất (01 cá nhân hoặc 01 hộ gia đình, hai vợ chồng,…) thì hình thức sử dụng đất là “Sử dụng riêng”.
- Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì hình thức sử dụng đất được ghi là “Sử dụng chung”.
- Trường hợp thửa đất ở trong đó có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng là sử dụng chung, sử dụng riêng với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi “Sử dụng chung” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo.
Ví dụ: “Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây hàng năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây lâu năm 200m2”.
Ngoài ra, khi xem Giấy chứng nhận, người mua cũng biết được vị trí thửa đất có nằm trong hành lang chỉ giới an toàn giao thông hoặc công trình công cộng khác hay không, xem được khoảng lùi xây dựng (nếu có), v.v...
LS. Nguyễn Mai