STNN - Theo ước tính của S&P Global Platts, do cơn bão giá nguyên liệu (khí thiên nhiên) tăng vọt, châu Âu đã cắt giảm 1/4 công suất phân đạm và trong tương lai, sẽ còn tiếp tục cắt giảm nhiều hơn nữa.
Tình trạng thiếu phân bón không phải là một câu chuyện mới, nhưng ở châu Âu, công suất và sản lượng phân đạm đang bị các nhà sản xuất cắt giảm sâu do giá khí thiên nhiên không ngừng tăng lên biến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân đạm tại châu Âu thành một ngành kinh doanh thua lỗ.
Các nhà sản xuất phân bón lớn của thế giới như Yara (sản xuất phân bón tinh thể lớn nhất thế giới), tập đoàn phân hóa học nổi tiếng của Đức (K+S)… gần đây đã cảnh báo rằng, các nhà máy ở châu Âu sẽ hạn chế sản xuất phân bón hơn nữa.
Thiếu nitơ
Trong nông nghiệp hiện đại, phân bón hóa học luôn là yếu tố giúp đảm bảo năng suất. Theo thành phần của sản phẩm, phân bón hóa học có thể được chia thành phân đạm, phân lân, phân kali và phân hỗn hợp. Ở châu Âu, nguồn nguyên liệu chính sản xuất phân đạm đang khiến người ta đau đầu.
Phân đạm chủ yếu sử dụng nguyên liệu là than và khí đốt tự nhiên. Nói chung, 1 tấn phân đạm cần 1,5 tấn than hoặc 615m3 khí tự nhiên. Than hoặc khí tự nhiên đầu tiên được chuyển đổi thành amoniac, sau đó được tổng hợp thành Urê - phân đạm nhưng tình trạng thiếu khí tự nhiên đang bóp nghẹt ngành sản xuất phân đạm.
Chris Lawson, người đứng đầu bộ phận phân bón hóa học của S&P Global Platts nói: Châu Âu sản xuất khoảng 20 triệu tấn amoniac mỗi năm và hiện cần nhập khẩu thêm 200.000 tấn amoniac mỗi tháng do sản lượng sụt giảm và có thể cần nhập khẩu nhiều hơn trong tương lai.
Lukas Pasterski, phát ngôn viên của cơ quan phân bón châu Âu cho biết, giá khí đốt tự nhiên tăng sẽ dẫn đến tăng nhập khẩu phân bón, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu.
Tổn thương của ngành nông nghiệp
Theo cảnh báo từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế, nông dân trên khắp thế giới có khả năng cắt giảm 7% lượng phân bón sử dụng vào mùa tới, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này cũng có nghĩa là giảm đáng kể thu hoạch ngũ cốc và tăng đáng kể nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Hiệp hội tiếp tục cảnh báo rằng nếu nông dân châu Âu nhập khẩu nhiều phân bón hơn thì thị trường phân bón hoá học sẽ càng căng thẳng. Khu vực sẽ giảm sử dụng phân hoá học nhiều nhất trong vụ tới sẽ là các vùng nằm ở phía nam của sa mạc Sahara, có thể giảm tới 23%.
Bert Frost, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng của CF Industries Holdings nhà sản xuất phân đạm lớn, cũng lo ngại rằng tình trạng thiếu phân đạm đồng nghĩa với tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra vào cuối năm nay và sang năm 2023, điều này có thể khiến một số quốc gia tuyệt vọng hơn.
Martin Brudermueller, Giám đốc Điều hành của BASF, nhà cung cấp phân bón và tiêu thụ khí đốt thiên nhiên lớn nhất của Đức, cũng nói rằng sản lượng amoniac có thể giảm để tiết kiệm khí đốt tự nhiên.
Ông kết luận rằng năm tới giá amoniac sẽ tăng mạnh và nông dân sẽ phải cắt giảm lượng mua, đồng thời sản lượng thu hoạch dự kiến cũng sẽ giảm. Đặc biệt, các nước nghèo hơn sẽ bị thiếu lương thực nhiều hơn.
Chử Cường (theo cls.cn)