Cơ sở sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ đóng cửa

Nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt và khả năng cao một cơ sở sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới có thể ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung cấp khí đốt đến từ quốc gia này.

Ảnh minh họa (Nguồn: CNN)

Trước đó, vào ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh buộc các nước “không thân thiện” phải thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble và không chấp nhận thanh toán bằng đồng Euro hay USD kể từ ngày 01/4. Điều này, theo ông Putin, để “làm tăng cường khả năng tự chủ của kinh tế Nga”.

Phản ứng trước sắc lệnh trên, ngày 01/4 theo giờ địa phương, Ủy ban châu Âu cho biết, các công ty châu Âu nên lấy đồng Euro và USA để thanh toán, không nên dùng đồng Ruble để mua khí thiên nhiên của Nga. Sự không thoả hiệp của châu Âu, có khả năng khiến khả năng Nga cắt đứt nguồn cung khí thiên nhiên sẽ trở thành hiện thực. Và điều này ảnh hưởng rất lớn lên nền kinh tế và xã hội của các nước châu Âu vốn phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp khí đốt từ Nga.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế Liên bang Đức, nhu cầu dùng khí đốt năm 2021 của Đức khoảng 100 tỉ m3; trong đó 90% nhập khẩu và 55% trong số đó là khí thiên nhiên nhập từ Nga. Tương tự, Italia nhập khẩu khoảng 40% và Áo nhập khẩu tới 80% khí đốt từ Nga.

Đứng trước nguy cơ thiếu hụt khí đốt từ Nga, nhiều nước châu Âu và đặc biệt là Đức đã khởi động giai đoạn một trong ba giai đoạn khẩn cấp về năng lượng theo luật của Liên minh châu Âu. Theo đó, ngay khi nguồn cung khí thiên nhiên rơi vào các cấp cảnh báo, chính phủ Đức sẽ ưu tiên cung cấp cho các hộ gia đình, bệnh viện… và cắt giảm nguồn cung cho công nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mọi ngành công nghiệp của Đức.

CEO của Tập đoàn BASF của Đức khi trả lời phỏng vấn tờ FAZ cho biết, nếu nguồn cung khí thiên nhiên bị thấp hơn nhu cầu dưới 50%, BASF không thể không cắt giảm hoặc đóng cửa hoàn toàn cơ sở tại cảng Ludwigshafen. Đây là cơ sở sản xuất hóa chất tổng hợp lớn nhất thế giới với diện tích 10km2 và khoảng 39.000 nhân viên. Ngoài ra, nếu cơ sở tại cảng Ludwigshafen đóng cửa, các ngành Nông nghiệp, Thực phẩm, Xe hơi, Mỹ phẩm, Y tế, Xây dựng, Bao bì, Dược phẩm và Điện tử đều sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, BASF đưa ra cảnh báo, ngay khi ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga, Đức có khả năng rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 80 năm trở lại đây.

Ngày 01/4, Điện Kremlin cho biết, sẽ không thay đổi lệnh dùng đồng Ruble trong thanh toán khí thiên nhiên. Nhưng Nga sẽ không ngay lập tức cắt đứt nguồn cung cho châu Âu, do việc thanh toán khí thiên nhiên của tháng 4, sẽ được chi trả vào giữa tháng 4 và tháng 5.

Các nước châu Âu đã có những biện pháp kịp thời nhằm giảm bớt nguy cơ thiệt hại kinh tế từ việc thiếu hụt khí đốt từ Nga. Nhưng những biện pháp này mang tính ngắn hạn và chưa có các biện pháp mang tính đột phá để có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga của các nước châu Âu. Việc bắt các quốc gia “không thân thiện” phải mua khí đốt từ Nga bằng đồng Ruble cho thấy Moscow đã gửi đi thông điệp cứng rắn tới châu Âu khi các nước này trước đó đã gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì những căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây