Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đang phải “gồng mình” với các khoản nợ khủng

STNN - Sau hơn 7 năm được thành lập, BaF Việt Nam đã vươn mình sở hữu hàng loạt công ty con, chi nhánh với hàng chục trang trại trên cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đang phải “gồng mình” với các khoản nợ khi có nợ phải trả lên tới gần 5.300 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 3.519 tỷ đồng.

Phát triển thần tốc

Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã chứng khoán: BAF - BaF Việt Nam) được thành lập vào ngày 07/4/2017 tại Hà Nội hoạt động chính trong lĩnh vực nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo giống, heo thịt thương phẩm theo mô hình chuỗi 3F 100% khép kín FEED - FARM - FOOD “từ trang trại tới bàn ăn”. Sau 18 lần thay đổi, hiện nay doanh nghiệp này đặt trụ sở tại TP.HCM và do bà Bùi Hương Giang làm Tổng Giám đốc.

Theo giới thiệu, kể từ khi thành lập, BaF Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ thị trường để có những quyết định chuyển hướng phù hợp, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, những phương án vận hành linh hoạt nhằm ứng biến thích hợp trong bối cảnh dịch bệnh... hướng đến mục tiêu hoàn thiện và tối ưu mọi hoạt động kinh doanh - sản phẩm - dịch vụ của mình.

Quá trình hình thành và phát triển của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam - Ảnh: BaF.vn.

Bên cạnh đó, sứ mệnh của BaF Việt Nam là: Cung cấp thực phẩm sạch, tươi ngon bổ dưỡng từ quy trình 3F đến tay người tiêu dùng; Phát triển mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi giữa BaF với người nông dân trên cơ sở hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển; Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính.

Hiện thực hóa các tham vọng này, BaF Việt Nam đã có những bước tiến thần tốc trong chặng đường phát triển của mình. Cụ thể, vào năm 2021 BaF Việt Nam đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi được nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng vào năm 2020. Trước đó, vào năm 2018 BaF Việt Nam đã đưa 10 trang trại nuôi heo vào hoạt động và nhập thành công 1.200 con heo giống cụ kỵ từ đối tác Genesus (Canada) vào năm 2019.

Cũng vào cuối năm 2021, BaF Việt Nam đã chính thức đưa Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BaF Tây Ninh tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đi vào hoạt động. Đây là nhà máy có quy mô diện tích lên đến 3 ha, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm.

Năm 2022 là một năm đáng nhớ của BaF Việt Nam khi doanh nghiệp này tiếp tục vươn mình để nâng vốn điều lệ lên thành 1.400 tỷ đồng. Đồng thời, BaF Việt Nam cũng chính thức khánh thành trang trại nuôi heo công nghệ cao đầu tiên tại tỉnh Phú Yên, ra mắt thương hiệu thịt Heo ăn chay BaF Meat và Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BaF Tây Ninh được cấp chứng nhận GLOBAL GAP và FSSC 22000.

Đến tháng 05/2023, tại Đại hội đồng Cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, BaF Việt Nam cũng đã được thông qua việc phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5% và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:47 (47,677%) với giá bán 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền thu về dự kiến là 750 tỷ đồng, nâng Vốn Điều lệ lên 2.435 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phải đến tháng 06/2024, BaF Việt Nam mới chính thức công bố việc thay đổi vốn điều lệ từ mức 1.435,2 tỷ đồng lên thành 1.679,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 17%. Đến nay, BaF Việt Nam vẫn đang ấp ủ giấc mơ sẽ nâng vốn điều lệ lên thành 2.400 tỷ đồng trong năm 2024.

Một nhà máy của BaF Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh.

Có thể thấy, dù chỉ là một doanh nghiệp non trẻ, những chỉ sau hơn 7 năm chính thức đi vào hoạt động, BaF Việt Nam đã vươn mình để trở thành một ông lớn trong lĩnh vực nông nghiệp với hàng chục Công ty con, Chi nhánh trực thuộc trải dài trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bức tranh tài chính mới đang là điều đáng lo ngại khi doanh nghiệp này đang gánh trên mình các khoản nợ khủng.

“Gồng mình” với nợ nần

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2024, BaF Việt Nam có doanh thu  lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2024 đạt hơn 35 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 154 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là cao hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2023. Theo như giải trình của BaF Việt Nam, lợi nhuận này là nhờ giá heo duy trì ổn định, sản lượng heo tăng, nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm và một phần thu được từ việc bán đất.

Cũng theo BCTC, tổng tài sản của BaF Việt Nam tại thời điểm ngày 30/6/2024 nằm ở mức hơn 7.333 tỷ đồng, trong đó 3.531 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn và 3.802 tỷ đồng là tài sản dài hạn.

Đối với tài sản dài hạn, BaF Việt Nam có khoảng 1.758 tỷ đồng là tài sản cố định, 1.037 tỷ đồng là khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Đồng thời, BaF Việt Nam cũng có 182 tỷ đồng là các khoản phải thu dài hạn, 750 tỷ đồng là chi phí trả trước dài hạn, 250 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và một số tài sản dài hạn khác.

Trong khi đó, đối với tài sản ngắn hạn, BaF Việt Nam có hàng tồn kho lên đến 1.943 tỷ đồng, chiếm đến 55% tài sản ngắn hạn. BaF Việt Nam cũng có 859 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, 296 tỷ đồng là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, 24 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn khác và khoảng 410 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn.

Đáng chú ý, BaF Việt Nam đang có nợ phải trả lên đến hơn 5.271 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần vốn của chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp này có 3.519 tỷ đồng là nợ phải trả ngắn hạn và 1.752 tỷ đồng là nợ phải trả dài hạn. Trong khi vốn chủ sở hữu của BaF Việt Nam là 2.062 tỷ đồng, trong đó 1.679,1 tỷ đồng là vốn góp của chủ sở hữu và có đến 235 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế cả năm nay và lũy kế đến cuối năm trước chưa phân phối.

Ở phần nợ dài hạn, BCTC hợp nhất quý 2/2024 của BaF Việt Nam thể hiện, doanh nghiệp này có 1.246 tỷ đồng là khoản vay và nợ tài chính dài hạn từ các ngân hàng, trái phiếu thường dài hạn và thuê tài chính. BaF Việt Nam cũng có gần 464 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi, hơn 28 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân hoàn lại phải trả, và 14 tỷ đồng là nợ phải trả hoàn lại khác.

BCTC hợp nhất quý 2/2024 thể hiện BaF Việt Nam đang gánh trên mình khoản nợ khủng.

Đối với nợ ngắn hạn, BaF Việt Nam phải trả cho người bán khoảng 1.576 tỷ đồng trong ngắn hạn, khoảng 21 tỷ đồng phải trả người lao động, gần 63 tỷ đồng là chi phí lãi vay, chi phí vận chuyển... Đồng thời, BaF Việt Nam còn có khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 909 tỷ đồng.

Ngoài ra, BaF Việt Nam đang nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước hơn 41 tỷ đồng, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với khoản nợ phải trả trong ngắn hạn từ các ngân hàng lên tới gần 837 tỷ đồng.

Đối mặt với tình hình tài chính như hiện nay, liệu rằng “sức khỏe” của BaF Việt Nam đang ở tình trạng như thế nào? Điều này sẽ tác động ra sao đến việc sản xuất chăn nuôi và sự phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam?

Chúng tôi sẽ tiếp tục có các bài viết phân tích chuyên sâu để gửi đến quý bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.

Anh Đức