Ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ tự động hóa. Chipotle hiện sở hữu khoảng 3.500 nhà hàng (chủ yếu ở Hoa Kỳ) cũng không nằm ngoài sự bùng nổ này. Chipotle hợp tác với Vebu - một công ty về tự động hóa, robot và trí tuệ - tập trung vào việc xây dựng các giải pháp công nghệ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm.
Chipotle đang thử nghiệm một máy tự động mang tên Autocado có khả năng biến trái bơ thành món guacamole - món ăn truyền thống của Mexico, chủ yếu được làm từ trái bơ chín nghiền nhuyễn, chỉ trong 26 giây. Công nghệ này không chỉ giúp tăng tốc độ chế biến mà còn giảm chi phí lao động, mở ra những tiềm năng mới cho ngành dịch vụ ăn uống.
Tăng tốc độ chế biến, giảm chi phí lao động
Với sự ra đời của Autocado, quy trình chế biến guacamole đã được rút ngắn đáng kể. Máy này thực hiện các công đoạn như cắt, bỏ hạt và lột vỏ bơ một cách nhanh chóng và chính xác, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chất lượng món ăn, một yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành ẩm thực.
Theo ước tính, trong năm nay, Chipotle dự kiến sẽ sử dụng khoảng 5 triệu thùng bơ, tương đương gần 59,000 tấn. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp chuỗi nhà hàng của họ xử lý khối lượng lớn nguyên liệu mà không gặp phải tình trạng thiếu nhân lực bởi với Autocado, Chipotle có thể giảm bớt số lượng nhân viên cho quy trình chế biến guacamole, dành thời gian để nhân viên tập trung vào các công việc khác như phục vụ khách hàng tốt hơn.
Curt Garner, Giám đốc Công nghệ và Khách hàng của Chipotle, cho biết rằng: Việc tối ưu hóa sử dụng các hệ thống này sẽ giúp xây dựng một mô hình hoạt động mạnh mẽ hơn, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn ẩm thực cao của thương hiệu. Việc áp dụng công nghệ không chỉ mang lại hiệu quả mà còn tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho cả nhân viên và khách hàng.
Tương lai của ngành thực phẩm
Autocado được mô tả là một thiết bị "cobotic", tức là một máy tự động hỗ trợ nhân viên, giúp họ giảm bớt gánh nặng công việc. Một máy cobotic khác có tên là Augmented Makeline sử dụng công nghệ tự động để chế biến các món salad cũng sẽ được thử nghiệm tại các địa điểm khác nhau ở California (Hoa Kỳ).
Sự xuất hiện của các thiết bị cobotic như Autocado và Augmented Makeline đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Chúng không chỉ giúp tăng năng suất mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự sáng tạo trong chế biến món ăn.
Chipotle không phải là thương hiệu duy nhất áp dụng công nghệ này; nhiều chuỗi nhà hàng khác cũng đang tìm kiếm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tương lai của ngành thực phẩm sẽ phụ thuộc vào khả năng tích hợp công nghệ với nhân lực, nhằm tạo ra những món ăn ngon miệng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi nhiều đổi mới hơn nữa trong cách thức chế biến và phục vụ thực phẩm.