Đánh ghen có vi phạm pháp luật không?

Hỏi: Thời gian qua, trên một số trang tin điện tử và mạng xã hội xuất hiện nhiều clip quay các vụ đánh ghen. Người vợ biết chồng có tình nhân đã theo dõi, bắt được quả tang và tổ chức đánh ghen. Trong khi đánh ghen, người vợ có những hành vi như: túm, giật tóc tình địch, thậm chí hành hung bằng cách cắt tóc, xát muối, đổ dầu vào người đối phương. Vậy xin Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp cho biết những hành vi như vậy có vi phạm pháp luật không, sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân phi tài sản gắn liền với mỗi cá nhân, thể hiện phẩm chất, đạo đức và giá trị của mỗi cá nhân. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Mọi cá nhân, tổ chức nếu xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân con người tùy theo tính chất có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật hiện hành không quy định về khái niệm đánh ghen mà đây chỉ là cách gọi thường dùng trong đời sống. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định những giới hạn nhất định đối với hành vi này.

Vậy hiểu như thế nào về đánh ghen? Đánh ghen có vi phạm pháp luật hay không? Đánh ghen được hiểu là lời nói, hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng mình. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít những vụ đánh ghen “đình đám”, thương tâm như tạt a-xít, cắt tóc, lột quần áo của đối phương, quay video phát tán trên mạng Internet để làm nhục… Những hành vi trên là vi phạm pháp luật; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.

Chuyên gia Luân Phạm

Nếu hành vi đánh ghen đơn giản chỉ là cãi nhau, chửi rủa, khiêu khích sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; hoặc lôi kéo người khác, thuê người khác xâm phạm sức khỏe đối phương chưa gây tổn hại sức khỏe lớn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Nếu hành vi đánh ghen gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại về sức khỏe đối với người khác có đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 hoặc tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự (BLHS)2015; ngoài ra, còn bị bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 584, 590 của BLDS 2015.

Không ít những vụ đánh ghen kinh hoàng đã xảy ra, khiến chính những người trong cuộc đánh ghen phải vướng vào vòng lao lý. Nếu người vợ hoặc chồng phát hiện người bạn đời của mình có hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, cần bình tĩnh, văn minh khi xử lý, có thể viết đơn ra tòa hoặc làm đơn tố giác đến cơ quan Công an để giải quyết sự việc, không nên sử dụng hành vi bạo lực hoặc hành vi liên quan đến mạng xã hội để giải quyết ghen tuông.
Trên đây là những giải đáp của chuyên gia cho câu hỏi mà quý độc giả gửi tới Diễn đàn. Mọi thắc mắc, xin quý độc giả liên hệ email: toasoan@sinhthainongnghiep.net.vn.

Luân Phạm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây