Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch

Hiện nay, một số nông sản chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn. Để bảo đảm đầu ra thuận lợi, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang lên phương án đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm tránh tình trạng “được mùa – mất giá”.

nông sản
Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều niên vụ 2022. Ảnh: Xuân Nguyễn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, sản lượng vải thiều năm 2022 của tỉnh ước đạt khoảng 180.000 tấn, dự kiến thu hoạch trong khoảng thời gian từ ngày 20-5 đến 20-7. Mùa vải năm 2022, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 95.000 tấn sang thị trường Trung Quốc.

Tương tự, tại tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Hà Trịnh Thị Nguyên cho biết, toàn huyện có hơn 3.200ha vải, sản lượng vải năm nay dự kiến cao hơn năm 2021 từ 5 đến 10%. Trong đó, trà vải u hồng, tàu lai cho thu hoạch vào thời điểm từ ngày 25-5 đến 5-6; trà vải chính vụ cho thu hoạch từ ngày 10-6 đến 25-6. Toàn huyện đã sẵn sàng cho việc thu hoạch, xuất khẩu vải…

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hợp tác xã tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, mỗi ngày cung cấp khoảng 2-3 tấn rau các loại cho hệ thống siêu thị và 30-35 tấn rau bán tại chợ đầu mối thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đang đối mặt với một số khó khăn do chi phí sản xuất từ giống, phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản cũng gặp khó khăn bởi chi phí vận chuyển tăng…

Để tháo gỡ khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản chính vụ và sắp thu hoạch, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Cục tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu (thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng…); qua đó có chỉ đạo cụ thể về rải vụ phù hợp thị trường tiêu thụ, bán được giá tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với quả vải ở các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương chuẩn bị thu hoạch, Cục phối hợp với các địa phương sẵn sàng điều kiện bảo đảm xuất khẩu; đồng thời ráo riết tổ chức hội chợ quảng bá giới thiệu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa…

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho hay, Sở đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch Covid-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Theo đó, Bắc Giang cũng đã làm việc với tỉnh Lạng Sơn để phối hợp giải quyết các thủ tục tại biên giới cho việc tiêu thụ vải thiều sang nước bạn. Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “không Covid”, lượng vải xuất khẩu sẽ rút xuống còn 30% và đẩy mạnh 70% tiêu thụ tại thị trường nội địa, các trung tâm thương mại, siêu thị; tập trung chế biến sấy khô…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các tỉnh rà soát cụ thể quy mô, sản lượng các loại nông sản chủ lực, triển khai hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng và tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định. Mặt khác, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị, bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu; đồng thời, xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây