Dịch bệnh Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng hay không?

Bạn đọc hỏi:
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp, cá nhân ký hợp đồng thuê nhà dân để làm cửa hàng kinh doanh, dịch vụ hoặc làm trụ sở làm việc của công ty nhưng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do thực hiện Chỉ thị của Chính phủ nên không kinh doanh, làm việc được. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kinh doanh, hiệu quả làm việc của các công ty, cá nhân. Xin cho biết: Theo quy định của pháp luật, dịch bệnh Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng hay không? Đối với những hợp đồng thuê nhà, bên thuê nhà bị ảnh hưởng có được miễn tiền thuê nhà trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hay không?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 156.1 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo định nghĩa trên, một sự kiện được xem sự kiện bất khả kháng nếu hội tụ đủ 03 yếu tố: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước, và (iii) không thể khắc phục. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định tiêu chí xác định cụ thể cho từng yếu tố, việc đánh giá một sự kiện có hội tụ các yếu tố của một sự kiện bất khả kháng hay không phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại) khi có tranh chấp xảy ra. Như vậy, Luật pháp chưa quy định chi tiết, cụ thể trường hợp nào được coi là sự kiện bất khả kháng. Đây là cái khó cho các bên khi ký kết hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại. Việc coi sự kiện nào là sự kiện bất khả kháng tùy thuộc vào ý chí của các bên giao kết hợp đồng.

Nếu trong trường hợp hợp đồng ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng thì các bên phải tuân thủ sự thỏa thuận và hậu quả của sự kiện bất khả kháng chính là làm cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Điều 351.2 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Do đó, trong trường hợp hợp đồng thuê nhà ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng, bên thuê nhà bị ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ không phải trả tiền thuê nhà trong những tháng giãn cách.

Nếu trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là sự kiện bất khả kháng thì rất khó cho các bên thực hiện trong hợp đồng. Bên bị ảnh hưởng khó có thể được miễn nghĩa vụ thực hiện trả tiền. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp viện dẫn định nghĩa sự kiện bất khả kháng quy định tại Điều 156.1 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xem xét 03 yếu tố: (i) khách quan, (ii) không thể lường trước, và (iii) không thể khắc phục để có thể xác định, đánh giá dịch bệnh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không. Từ đó có thể ra phán quyết hợp lý, hợp tình.

Vì vậy dịch bệnh Covid-19 có được coi là sự kiện bất khả kháng hay không tùy thuộc vào sự thỏa thuận hai bên hoặc sự đánh giá của các cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp hợp đồng.

Trên đây là giải đáp của chuyên gia Luân Phạm, mọi thắc mắc xin quý bạn đọc liên hệ email: toasoan@sinhthainongnghiep.net.vn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây