Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, năm 2022, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương giữ ổn định gần 9.000ha. Tổng sản lượng vải dự kiến khoảng 60.000 tấn, trong đó, trà vải sớm 2.750ha (riêng huyện Thanh Hà có khoảng 1.750ha) cho thu hoạch từ 10/5 đến đầu tháng 6, thời gian thu hoạch rộ từ 25/5 đến 05/6, dự kiến sản lượng khoảng 35.000 tấn. Trà vải chính vụ và muộn trên 6.200 ha cho thu hoạch khoảng 10/6, thu rộ từ 15/6, thời gian thu kéo dài đến đầu tháng 7; dự kiến sản lượng khoảng 25.000 tấn.
Để nâng cao chất lượng, thương hiệu vải thiều Hải Dương, Sở NN&PTNT đã đưa ra một số các giải pháp cần thực hiện như sau:
- Tiếp tục duy trì các vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu thế mạnh của tỉnh; Quy hoạch, mở rộng hợp lý vùng trồng vải theo quy trình sản xuất hữu cơ, GAP, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn OCOP... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2022, ngoài duy trì vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP của năm 2021, toàn tỉnh mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP đã đưa tổng số vùng sản xuất vải theo VietGAP là 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha, theo GlobalGAP là 11 vùng với tổng diện tích 110ha. Ngoài ra có gần 6.000ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.
- Hằng năm, đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho vải thiều và phục vụ xuất khẩu. Năm 2022, đã duy trì 96 mã số vùng trồng vải của năm 2021 và tiếp tục đề xuất cấp mới mã số vùng trồng.
- Chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi trong việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao chất lượng quả vải.
- Tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ cơ sở chỉ đạo sản xuất, các hộ nông dân tham gia vùng sản xuất vải nắm bắt được những tiêu chuẩn, quy định của các nước về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm vải thiều mà các nước nhập khẩu; tập huấn về quy trình sản xuất vải an toàn theo quy trình GAP, tiêu chuẩn quốc tế để các hộ nông dân nắm được và áp dụng vào sản xuất trên toàn bộ diện tích vải.
- Hướng dẫn các hộ trồng vải áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ cắt tỉa cành, bón phân, các biện pháp khống chế lộc đông và chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây vải giai đoạn ra hoa, đậu quả đến thu hái để nâng cao chất lượng vải.
- Hướng dẫn nông dân tiếp cận công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ vải như ghi chép nhật ký điện tử, quản lý và giám sát vùng trồng qua camera, cách tiếp cận và bán hàng trên sàn thương mại điện tử...
- Xây dựng hạ tầng vùng sản xuất vải, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm vải và các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
- Tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới về bảo quản, chế biến: Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhất là công nghệ tiên tiến của Nhật, Isarel để bảo quản và xuất khẩu vải thiều sang các thị trường Nhật, Mỹ, Úc, Pháp...
- Kiểm tra, giám sát việc duy trì các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật.
- Kiểm tra, giám sát vùng sản xuất về thực hiện quy trình sản xuất vải an toàn theo GAP, tiêu chuẩn quốc tế...
- Điều tra, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và nước nhập khẩu cho phép sử dụng.
- Kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán và tư vấn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các hộ kinh doanh trong vùng sản xuất; kiểm tra việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân tham gia sản xuất vải để đảm bảo nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, thuốc ngoài danh mục khuyến cáo.
- Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kiểm soát sâu bệnh hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
- Thử nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón mới để đánh giá hiệu lực và thời gian tồn dư trên nông sản, làm căn cứ hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn, hiệu quả.
- Lấy mẫu sản phẩm để phân tích, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
T. Hiền (nguồn "Mard.gov.vn")